• Zalo

Xăng dầu cao kỷ lục, doanh nghiệp than 'không thở nổi'

Thị trườngThứ Năm, 16/06/2022 13:46:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vận tải kêu "không thở nổi" trước việc giá xăng dầu liên tục tăng cao.

Chia sẻ với VTC News, ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bắc Kỳ Logistics cho biết, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, do phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay.

“Doanh nghiệp vận tải vừa thoát khỏi khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thì nay lại gặp thách thức lớn khi giá nhiên liệu tăng cao. Doanh nghiệp phải tăng giá dịch vụ ở một mức vừa phải để bù đắp chi phí. Nhưng nếu giá xăng dầu cứ tiếp tục tăng, doanh nghiệp chắc chắn thua lỗ dài dài", ông Nam nói.

Xăng dầu cao kỷ lục, doanh nghiệp than 'không thở nổi' - 1

Giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics nói riêng. (Ảnh: H.H)

Vẫn theo ông Nam, chi phí vận tải chiếm đến 60% chi phí logistics, khi giá xăng tăng đột biến sẽ gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành doanh nghiệp. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cũng khiến loạt phí như phí cầu đường, phí cầu cảng, bến bãi.... tăng theo. Đáng chú ý, dù giá nhiên liệu tăng cao nhưng giá dịch vụ khó tăng ngay do nhiều hợp đồng đã ký từ trước và phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của khách hàng.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải nên việc tăng giá xăng dầu gây áp lực rất lớn với doanh nghiệp vận tải.

“Xăng dầu tăng khiếp quá, anh em làm vận tải chúng tôi sốc nặng, thở không nổi. Chúng tôi cũng biết xăng dầu tăng là bắt buộc do giá dầu thế giới tăng nhưng trong hoàn cảnh này, chỉ có đóng cửa nhà xe mới mong thoát lỗ”, ông Bằng nói.

Theo ông Bằng, để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nên tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường, khi doanh nghiệp khỏe lại rồi tính tiếp. “Doanh nghiệp vận tải vừa “chết hụt” vì dịch bệnh kéo dài, nay thêm giá xăng, dầu tăng cao thì doanh nghiệp chết hẳn. Giảm thuế bảo vệ môi trường nhỏ giọt sẽ không giải quyết được gì nhiều”, ông Bằng nhận xét.

Còn ông ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, cho rằng giá dầu tăng mạnh đã giáng một đòn mạnh vào quá trình phục hồi của doanh nghiệp sau dịch COVID-19.

“Giá xăng dầu tăng mạnh khiến doanh nghiệp vận tải tiếp tục phải đối mặt rủi ro. Nếu không điều chỉnh giá cước, chắc chắn doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ. Nhưng nếu tăng cước sẽ có nguy cơ mất khách hàng”, ông Hải nói.

Tính toán giảm thuế, trợ giá xăng dầu

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục thiết lập kỷ lục mới và chưa biết khi nào mới “hạ nhiệt”, có thể xem xét phương án trợ giá xăng dầu cho người dân.

“Trong trường hợp giảm thuế nhập khẩu và tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường mà giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, trong khi chưa thể giảm ngay được thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, thì có thể kết hợp với việc trợ giá xăng dầu cho người dân như nhiều nước đã thực hiện”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

Theo chuyên gia, việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân cũng không phải là quá mới mẻ với Việt Nam, nên có thể thực hiện được. Trong 2 năm 2020 và 2021, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Hiện tại, các địa phương đang tích cực giải ngân gói tài khóa trị giá 6.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

“Việc hỗ trợ trực tiếp giúp người dân giảm được phần nào chi phí xăng dầu, nhưng quan trọng hơn là thể hiện được sự quan tâm, hỗ trợ người dân của Chính phủ lúc giá cả tăng cao”, ông Lạng nói thêm.

Ông Hoàng Đức Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho rằng xăng dầu được ví như “máu” của nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng cao sẽ trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm, kéo theo giá hàng hóa, tạo áp lực lên lạm phát, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và trên đà phục hồi kinh tế sau thời gian ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19”.

“Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có tầm quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế. Việc giá xăng dầu tăng cao trong các kỳ điều hành gần đây, đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua cơn “bạo bệnh” vì dịch COVID-19, kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt, hiệu quả”, ông Thắng nói.

Để hạ nhiệt giá xăng, ông Thắng cho rằng có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống một mức nào đó. Bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao gây ra nhiều khó cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ. Khi giá dầu thế giới chững lại, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường.

“Hiện mỗi lít xăng bán lẻ trong nước đang chịu áp dụng nhiều sắc thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (trên giá nhập tại cảng) và thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít). Thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách quốc gia (thuế thu từ xăng dầu chiếm rất lớn), giảm thuế có thể ảnh hưởng đến ngân sách. Nhưng xăng dầu lại là mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế. Nếu giá xăng tăng quá cao sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác, gây lạm phát, tạo ra khó khăn “kép” cho nền kinh tế”, ông Thắng nói.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp