Chiều 10/4, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thông tin, dự báo xâm nhập mặn trên các sông Nam Bộ từ ngày 11/4 - 22/4 ở mức báo động 2, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, độ mặn lớn nhất tại hầu hết trạm ít biến đổi trong nửa đầu tuần, sau lên nhanh ở mức xấp xỉ hoặc lớn hơn cùng kỳ năm ngoái và hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Ranh mặn 4g/l xâm nhập cách cửa sông Tiền khoảng 50 - 55km, sông Hậu khoảng 40 - 45km.
Trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng nhận định xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (trừ năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020). Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh tập trung trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, xâm nhập mặn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường. Do đó các địa phương cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo và chủ động biện pháp chủ động phòng, chống.
Trong các đợt triều thấp, các tỉnh thành Nam Bộ cần khuyến cáo người dân tích trữ nước ngọt để tưới tiêu trong thời điểm xâm nhập mặn gia tăng.
Liên quan đến tình trạng xâm nhập mặn, hôm 6/4, ông Nguyễn Văn Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - vừa ký văn bản công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tiền Giang là tỉnh đang phải chịu ảnh hưởng bởi tình hình hạn mặn và thiếu nguồn nước sử dụng ở khu vực phía Đông. Những ngày qua, hạn mặn gay gắt làm kênh rạch trơ đáy, ảnh hưởng sinh hoạt của Tiền Giang.
Tại huyện Tân Phú Đông, nguồn nước kênh, ao đã nhiễm mặn và can kiệt, trong khi nhu cầu dùng nước của người dân đang tăng lên rất cao.
Bình luận