Ngày 12/4, Ủy ban nhân dân xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã gửi văn bản báo cáo đến UBND huyện Tam Nông, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Nông về vụ việc xôn xao mạng xã hội Facebook liên quan đến nghi vấn các sắc phong mất cắp năm 2021 bị rao bán trên mạng ở Trung Quốc.
Theo đó, ngày 11/4, địa phương ghi nhận tài khoản facebook Trần Ngọc Đông đăng bài viết có nội dung: "Đau xót khi sắc phong của đền Quốc Tế xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bị đánh cắp năm 2021 và nhiều sắc phong của các làng xã Việt Nam được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc".
Bài đăng đề cập đến trang bán đấu giá của công ty Trung Quốc Thượng Hải Dương Minh, có đăng tải nội dung đấu giá các hiện vật được cho là sắc phong của Việt Nam. Các sản phẩm được bán đấu giá vào ngày 22/4/2023, với giá khởi điểm 2.800 - 3.500 nhân dân tệ, tương đương từ 10-12 triệu đồng.
Đáng chú ý, một số hiện vật trong số này được cho là các sắc phong mà đền Quốc Tế, xã Dị Nậu bị mất trộm năm 2021. "Năm 2021, khi phát hiện mất sắc phong, UBND xã Dị Nậu đã báo cáo các cơ quan chức năng xác minh, điều tra tìm giúp địa phương", báo cáo mới cho biết. Hiện UNBD xã Dị Nậu đã báo cáo thông tin với UBND huyện Tam Nông, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Nông chỉ đạo các cơ quan xác minh vụ việc mới và tiếp tục điều tra, giúp địa phương sớm nhận được số sắc phong đã bị mất.
Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh (Shanghai YangMing) tự giới thiệu là công ty được thành lập vào năm 2014, với sự chấp thuận của Cục Quản lý Công nghiệp & Thương mại Thượng Hải và Ủy ban Thương mại Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Hiện công ty tập trung vào việc bán đấu giá "tiền giấy Trung Quốc", các loại "chi phiếu, chứng chỉ Trung Quốc và các loại giấy sưu tầm khác".
Trên trang đăng bán đấu giá, một số hiện vật được mô tả là các sắc phong dưới triều Nguyễn Việt Nam, ví dụ hiện vật số 2184 có hình tứ linh bạc, dấu triện đỏ, "được bảo quản tốt, có thể gọi là hàng hiếm".
Trước đó, theo thông tin từ UBND xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), đền Quốc Tế trên địa bàn xã bị trộm vào tháng 5/2021. Khi đó, kẻ đột nhập đã dùng xà beng phá két sắt lấy đi nhiều sắc phong, sách cổ, đều là những cổ vật có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử.
Được biết, đền Quốc Tế là nơi lưu giữ tư liệu quý hiếm thời Lê như ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách, sắc phong. Các di vật này phản ánh nghệ thuật điêu khắc gỗ tinh xảo. Ngoài ra, còn có sắc phong của nhiều triều đại, trong đó cổ nhất là sắc phong của vua Lê Chân Tông (hiệu Phúc Thái) tấn phong cho ngài Cao Sơn vào ngày 17/7/1645. Từ những sắc phong và tư liệu cổ trên mà đền Quốc Tế, còn được gọi là đền Thượng, được ghi nhận là vị trí chiến lược mà các Lạc tướng, Lạc hầu thời Hùng Vương lựa chọn để xây dựng dinh lũy, khai điền, mở nước. Đền tồn tại cho đến nay đã được hơn 2 thiên niên kỷ (2300 năm). Ngày 22/9/1992, đền Quốc Tế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Bình luận