Liên quan đến bãi rác xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, chiều 26/10, ông Vũ Cường, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), cho biết Ban quản lý bãi rác đã chủ quan, không vận hành đúng quy trình nên để xảy ra sự cố.
Theo Phó tổng giám đốc Urenco, nếu lúc đó cho máy hoạt động tách nước mưa và nước rỉ rác ra thì đã không có sự việc. Sự cố xảy ra đúng vào ngày mưa chứ không có ở ngày bình thường.
Ông Cường cho biết phía nam bãi tập kết rác có hai máy bơm xử lý nước rỉ rác hoạt động thủ công. Đêm 23/10, mưa lớn kéo dài đã cuốn theo nước rỉ rác có sẵn chảy ra hệ thống mương dài 100 m và đổ thẳng ra khu vực hồ đã được giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển khu xử lý rác thải.
Hồ rộng khoảng 1.000 m², nằm cách trung tâm bãi rác hơn 100 m, cách hồ điều hòa thủy lợi Xuân Khanh 500 m. Hồ này mặt nước có màu đen, đặc bùn, thời điểm hiện tại mực nước cách bờ khoảng một mét và có một ống cống dẫn ra hồ Xuân Khanh, nhưng đã được bịt lại.
Để khắc phục sự cố, đơn vị quản lý đã lắp thêm ba máy bơm xử lý nước rỉ rác, rửa toàn bộ hệ thống đường ống.
Ông Cường cho biết đã thu thập thêm mẫu nước và đi xét nghiệm riêng. Nếu có ô nhiễm thì sang tuần tới sẽ mời các chuyên gia đầu ngành về môi trường đến để khắc phục hậu quả, phục hồi nguyên trạng như ban đầu.
Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội ra quyết định đình chỉ công tác điều hành 30 ngày đối với ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Chi nhánh Môi trường đô thị số 6 và ông Trần Kim Tấn, Phó giám đốc để làm rõ những sai phạm tại bãi rác Xuân Sơn.
Thời gian tới, Urenco sẽ họp hội đồng để xem xét phương thức xử lý sai sót của lãnh đạo bãi rác này.
Trước đó khoảng 23h ngày 23/10, đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) kiểm tra đột xuất công tác thu gom, xử lý và quản lý nước rỉ rác tại bãi rác Xuân Sơn.
Đoàn thanh tra phát hiện bãi rác Xuân Sơn xả trái phép nước rỉ rác chưa qua xử lý ra hồ nước cạnh Hợp tác xã Thành Công và chảy tràn ra hồ Xuân Khanh với lưu lượng khoảng 700 m³/ngày đêm.
Bình luận