• Zalo

Xã được vua Hàm Nghi tặng 2 tượng voi bằng vàng

Thời sựThứ Tư, 10/02/2016 12:45:00 +07:00Google News

Suốt hơn 130 năm qua, người dân xã Phú Gia luôn xem 2 tượng voi bằng vàng, 2 thanh kiếm, 40 đạo sắc phong... được vua Hàm Nghi ban tặng là vật linh thiêng, đem

Hơn 130 năm qua, người dân xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh) luôn xem 2 tượng voi bằng vàng, 2 thanh kiếm, 40 đạo sắc phong... được vua Hàm Nghi ban tặng là vật linh thiêng, đem lại sự may mắn cho dân làng.

Xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nằm khuất dưới dãy núi Giăng Màn hùng vĩ. Nơi đây có đền thiêng Trần Lâm từng chứng kiến vua Hàm Nghi lánh nạn khi bị giặc Pháp truy đuổi. Hiện tại xã được xem là "bảo tàng lịch sử" khi đang còn lưu giữ rất nhiều bảo vật nhà vua ban tặng.

Ông Lê Tùng (81 tuổi ở làng Phú Hòa) kể rằng, theo sử sách vào năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi lúc đó mới 14 tuổi cùng đoàn tùy tùng ra Quảng Trị lánh nạn.

 Sau đó đoàn đi bằng nhiều con đường độc đạo, trở về xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh) lập thành Sơn Phòng, ban Chiếu cần vương lần hai chống Pháp.
Voi vàng, nghê đồng cùng hai thanh kiếm là những bảo vật quý được vua Hàm Nghi ban tặng cho người dân xã Phú Gia. Ảnh: Đức Hùng
Voi vàng, nghê đồng cùng hai thanh kiếm là những bảo vật quý được vua Hàm Nghi ban tặng cho người dân xã Phú Gia. Ảnh: Đức Hùng 

Tương truyền, trong thời gian lập căn cứ địa ở xã Phú Gia, một hôm bị quân Pháp tấn công, vua Hàm Nghi chạy trốn vào đền Trần Lâm (thôn Phú Hòa) để ẩn náu. Đêm tối, một vị thần linh báo mộng nhà vua không nên ở lại nơi này quá lâu, bởi nguy hiểm sắp đến gần. 

Sau khi được thần linh "mách nước", vua Hàm Nghi cảm ơn người dân trong làng rồi rút vào vùng núi Quảng Bình xây dựng củng cố lực lượng đánh giặc.

Sau đó, vua Hàm Nghi bàn với một số tướng lĩnh chuẩn bị sắc phong và lễ vật, ban cho đền Trần Lâm danh hiệu "Thượng thượng đẳng tối linh thần". 

"Người dân trong xã được nhà vua tặng cho 2 con voi bằng vàng nguyên khối (một con nặng 2,7 lượng, con còn lại nặng 1,7 lượng), 40 đạo sắc phong, 8 bộ áo mũ triều thần, cờ lộng, 2 thanh kiếm lưỡi sắt có cán sơn son thiếp vàng, một con nghê đồng, một tấm áo bào, 20 chiếc quạt", ông Trần Kim Tăng (90 tuổi, cao niên thôn Phú Hòa) kể. 
Cố đạo chủ Phan Đình Hiền (trái) cùng cao niên xã Phú Gia kể về những giai thoại liên quan đến bảo vật của vua Hàm Nghi. Ảnh: Đức Hùng
Cố đạo chủ Phan Đình Hiền (trái) cùng cao niên xã Phú Gia kể về những giai thoại liên quan đến bảo vật của vua Hàm Nghi. Ảnh: Đức Hùng 

Từ ngày được nhà vua ban tặng bảo vật quý cho tới nay, người dân xã Phú Gia cùng nhau gìn giữ, xem đó là vật thiêng liêng, đem lại may mắn cho dân làng.

Ông Tăng cho hay, cứ hai năm một lần, dân làng bầu ra một người có uy tín, phẩm chất tốt, gia đình hòa thuận và đặt chức danh là Cố đạo chủ. Người này được đưa các bảo vật về nhà cất giữ, bảo quản và không được làm thất lạc. Hết "nhiệm kỳ", các hiện vật sẽ được chuyển giao cho người mới.

Hiện tại, Cố đạo chủ đương nhiệm lưu giữ bảo vật vua Hàm Nghi là ông Phan Đình Hiền (77 tuổi, trú thôn Phú Bình). Trong bộ quần áo truyền thống màu đỏ, đeo chiếc kính lão, râu tóc bạc phơ, ông Hiền thắp 3 nén hương trên bàn thờ rồi tung đồng xu lên đĩa sứ xin quẻ để lấy một số bảo vật cho mọi người xem.

Chỉ tay vào hai con voi đúc bằng vàng ròng cùng hai thanh kiếm, ông Hiền tâm sự luôn gìn giữ các bảo vật như sinh mạng của chính mình. Từ ngày được phong làm Cố đạo chủ, ông đưa bảo vật về nhà riêng, sau đó cẩn thận bỏ vào két sắt rồi đặt cạnh bàn thờ để trông coi. "Hàng ngày tôi đều thắp hương vào lúc chập tối, nửa đêm và rạng sáng, mục đích là để bề trên phù hộ cho bảo vật được an toàn, không bị mất cắp", ông Hiền cho hay.

Theo ông Hiền, các bảo vật rất linh thiêng, dù từng trải qua nhiều biến cố thất lạc, nhưng cuối cùng vẫn trở về với dân làng Phú Gia. Tương truyền, 80 năm về trước, một Cố đạo chủ được giao trách nhiệm lưu giữ bảo vật, nhưng vì lòng tham đã mang hai con voi vàng sang Lào đổi lấy 10 con trâu. Tuy nhiên, trên đường về, ông này bị trâu húc chết. Biết chuyện, người Lào đã tìm hiểu, mang bảo vật được đổi trả lại cho xã Phú Gia.

"Được phong làm Cố đạo chủ là một vinh dự lớn. Từ việc gìn giữ các bảo vật, tôi luôn răn dạy con cháu phải luôn biết sống có tâm, trung thực. Các giá trị tâm linh và văn hóa luôn là bài học để tôi nhắc nhở hậu thế nhớ tới những công lao to lớn của cha ông", ông Hiền nói.
Hàng năm, cứ mùng 7 Tết, người dân xã Phú Gia thường tổ chức lễ hội rước bảo vật, tưởng nhớ công ơn của vua Hàm Nghi. Ảnh: Tư liệu xã Phú Gia
Hàng năm, cứ mùng 7 Tết, người dân xã Phú Gia thường tổ chức lễ hội rước bảo vật, tưởng nhớ công ơn của vua Hàm Nghi. Ảnh: Tư liệu xã Phú Gia 

Đã hơn 130 năm nay, các bậc cao niên trong xã Phú Gia khi được giao trọng trách giữ bảo vật đều xem đó là trách nhiệm lớn lao. Người thì đưa về nhà đặt trong rương sắt, sau đó khóa lại cẩn thận hoặc đặt trên giường ngủ để bảo quản. Người thì khoét cột nhà để cất giấu đề phòng kẻ gian. Thời kỳ chiến tranh, có Cố đạo chủ còn đào hầm cất giấu bảo vật ngay dưới nền đất. 

Hàng năm, theo lệ làng cứ đến ngày mùng 7 tết, các cụ cao niên trong xã tập trung tổ chức kiểm tra bảo vật. Nếu như trùng thời điểm hết "nhiệm kỳ" hai năm của Cố đạo chủ, dân làng sẽ bầu người mới, sau đó sẽ đánh chiêng trống rước bảo vật qua ngôi đền Trần Lâm và Thành Sơn Phòng để tưởng nhớ công lao và tinh thần yêu nước của vua Hàm Nghi.

Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh đánh giá các bảo vật đang lưu giữ ở xã Phú Gia có giá trị về mặt kinh tế và lịch sử. Việc người dân trải qua nhiều khó khăn, vất vả để lưu giữ là rất đáng quý. Điều đó cho thấy trong tâm khảm của họ, ý thức lịch sử, lòng yêu nước được nuôi dưỡng từ bao đời nay.

"Các bảo vật này là hiện vật nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia Thành Sơn Phòng - Đền thờ Vua Hàm Nghi. Sắp tới chúng tôi có hướng tách riêng các bảo vật trên để đăng ký, làm hồ sơ xin công nhận bảo vật quốc gia", ông Hạnh nói.

Vua Hàm Nghi húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch (1872-1943) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Năm 1884 Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài, sau đó tới Hà Tĩnh phát hịch Cần Vương kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước chống Pháp. Đến năm 1888 ông bị bắt, đem đi an trí ở Algeria và qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày. 

Nguồn: VNE
Bình luận
vtcnews.vn