Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
1. Tổ chức giao thông gồm các nội dung sau đây: Quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ.
2. Trách nhiệm tổ chức giao thông quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
Theo đó, Chủ tich UBND cấp tỉnh là người chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý, trong đó có việc quy định các đoạn đường lắp đặt biển báo hiệu đường bộ.
Cùng đó, Điều 13 Thông tư 32/2014/TT-BGTVT hướng dẫn về quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn cũng nêu rõ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy định phân công, phân cấp và trách nhiệm về quản lý, vận hành khai thác và tổ chức giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn.
Còn UBND cấp huyện và UBND cấp xã sẽ chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành khai thác và tổ chức giao thông đối với các tuyến đường giao thông nông thôn theo phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp trên và quy định của pháp luật (theo khoản 1 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 Thông tư 32/2014/TT-BGTVT).
Từ những quy định trên, có thể khẳng định, chính quyền xã chỉ có quyền dựng biển báo cấm xe đi qua tại các tuyến đường giao thông nông thôn khi có chỉ đạo của UBND cấp tỉnh. Nếu không được UBND cấp tỉnh thông qua mà tự ý dựng biển cấm ô tô đi lại là trái với quy định của pháp luật.
Bình luận