Thông tin hồi sinh thương hiệu Xà bông Cô Ba được ông Nguyễn Nhân Bảo -Tổng giám đốc công ty, chia sẻ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 diễn ra sáng 20/3.
Ngoài triển khai các dự án địa ốc, đại diện doanh nghiệp đang sở hữu phần lớn cổ phần tại công ty tiền thân thương hiệu “Xà bông Cô Ba” cho biết sẽ đưa thương hiệu vang bóng một thời này quay trở lại thị trường hoá mỹ phẩm.
“Tính đến nay, dây chuyền sản xuất Xà bông Cô Ba ngừng hoạt động một năm rưỡi. Chúng tôi đã tiếp quản hệ thống và tổ chức lại nhóm nhân sự nắm rõ quy trình sản xuất sản phẩm từ cuối năm ngoái, sau khi hoàn tất thương vụ M&A Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Phương Đông”, ông Bảo nói.
Nhận định về khả năng cạnh tranh khi đưa thương hiệu “Xà bông Cô Ba” trở lại thị trường, ban lãnh đạo An Dương Thảo Điền cho rằng đây là thương hiệu lớn, có khả năng sinh lời trên thị trường hoá mỹ phẩm.
Tuy nhiên, việc khôi phục thương hiệu này cần phải có thời gian. Công ty không đặt nặng doanh thu từ sản phẩm thuộc nhóm hàng ngành tiêu dùng nhanh này.
Trong năm nay, An Dương Thảo Điền đề ra mục tiêu doanh thu 150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng. Đây được xem thách thức đối với An Dương Thảo Điền, khi lợi nhuận sau thuế thực hiện năm 2017 của doanh nghiệp này chỉ đạt 28,7 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2018, An Dương Thảo Điền dự kiến triển khai 4 dự án bất động sản chính, trong đó có khách sạn 4 sao quy mô 250 phòng tại TP.HCM và một resort tại Nha Trang.
Năm 2017, HĐQT An Dương Thảo Điền bất ngờ thông tin doanh nghiệp này mua ít nhất 35% số cổ phần chào bán tại Công ty cổ phần SX&TM Phương Đông (tiền thân là Công ty Trương Văn Bền và các con) doanh nghiệp sở hữu thương hiệu “Xà bông Cô Ba” nổi tiếng một thời. Ngoài ra, đơn vị này còn thông qua quyền mua thêm 20% số cổ phần chào bán của công ty này.
Động thái trên khiến dư luận đặt dấu hỏi phải chăng An Dương Thảo Điền đang nhắm tới quỹ đất rộng 10.000 ha tại quận 5, TP.HCM mà Công ty cổ phần SX&TM Phương Đông đang nắm giữ?
Cha đẻ của Xà bông Cô Ba là ông Trương Văn Bền (sinh năm 1883). Ông Bền mở một xưởng sản xuất và tinh luyện tinh dầu ở Thủ Đức từ năm 1905. Xưởng làm ăn phát đạt nên ông mở tiếp hai nhà máy xay xát gạo ở Chợ Lớn, rồi mở khách sạn nhưng lợi nhuận chủ yếu vẫn từ xưởng tinh dầu.
Nhận thấy tiềm năng dừa ở miền Nam rất lớn nên ông Bền đầu tư vào sản xuất dầu dừa, từ dầu dừa đã gợi ý cho ông sản xuất xà bông.
Video: Nghi án Khaisilk trục lợi trên thương hiệu Việt
Với sản phẩm Xà bông Cô Ba (xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam), Công ty Trương Văn Bền và các con đã trở thành doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn nhất khu Chợ Lớn thời bấy giờ.
Sau năm 1975, công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước, với tên gọi Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1995 trở thành Công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp liên doanh với Tập đoàn Procter & Gamble. Công ty vẫn duy trì ngành sản xuất và thương mại với các loại hóa chất như mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, chế phẩm vệ sinh…
Cách đây 4 năm, cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái hơn 50% vốn, công ty bắt đầu tăng vốn liên tục từ 20 tỷ đồng lên gần 152 tỷ đồng. Sau tăng vốn, công ty vẫn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại các loại hóa chất và thêm dịch vụ cho thuê mặt bằng.
Bình luận