Ngày 9-10/7, Công ty Thoát nước Hà Nội xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc mở cửa xả nước là do mực nước Hồ Tây đang cao hơn quy định và đó cũng là để làm sạch sông Tô Lịch. Điều này khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch.
Liên quan đến sự việc trên, chiều 12/7, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Việt Nhật (JVE) tổ chức buổi thảo luận với sự giải đáp của các chuyên gia như TS. Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, GS.TS.NGND. Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên Nước Việt Nam...
Theo TS. Ngô Đình Tuấn, việc xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch chưa thể xử lý được ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, chúng ta cần phải làm tuần tự.
"Muốn đưa sông Tô Lịch trở lại như ngày xưa, chúng ta cần phải làm theo trình tự. Đầu tiên làm trẻ hóa hai bờ sông, sau đó xử lý ô nhiễm sông và cuối cùng mới đưa nước vào sông", ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên Nước Việt Nam, TS. Takeba Akira cho rằng việc xả nước làm sạch sông Tô Lịch chưa có ý nghĩa lâu dài.
"Tôi đồng ý với chủ trương làm sạch mùi, xử lý bùn, chất lượng nước, rồi sau đó, sông Tô Lịch mới tiếp nhận nước để tăng lượng nước và tạo dòng chảy, nâng mực nước lên", TS. Takeba Akira chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc xả nước vào sông Tô Lịch sẽ ảnh hưởng đến việc thí nghiệm công nghệ Nhật Bản.
"Nếu kiểm tra mẫu thì nước hiện tại thì sẽ bị loãng và kết quả không khách quan. Đến ngày 17/7, việc xả cống vẫn còn tiếp tục, chúng tôi sẽ gửi công văn lùi ngày lấy mẫu đến khi nước sông Tô Lịch trở lại trạng thái bình thường, là nước đen và có mùi”, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) nói.
Ông Tuấn Anh cũng đồng ý với ý kiến của các chuyên gia tại buổi thảo luận, là chỉ xả nước vào sông Tô Lịch khi đã xử lý ô nhiễm nước, lượng bùn ở sông. Khi đó, nước xả vào sông sẽ hiệu quả hơn.
"Khi xử lý xong chất lượng nước sông Tô Lịch, việc xả nước từ đầu nguồn chảy xuống hạ lưu như vậy kéo theo vi sinh vật công nghệ Nano, giúp việc xử lý nước nhanh và chi phí thấp hơn”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Bình luận