Khi Wu Lei lên đường trở lại CLB Espanyol sau trận vòng loại World Cup giữa tuyển Trung Quốc với Nhật Bản hồi tháng 9, anh gặp nhiều tuyển thủ Nhật Bản cũng đang làm thủ tục quay lại châu Âu.
Đồng đội của Lei đã trở về Trung Quốc trên chuyến bay khác. Anh là tuyển thủ Trung Quốc duy nhất đi tới châu Âu. Và anh một mình giữa những đồng nghiệp Nhật Bản.
Đấy là lúc Lei nhận ra anh cô đơn đến thế nào.
“Bên cạnh tôi, những cầu thủ Nhật Bản đang làm thủ tục bay về CLB chủ quản ở châu Âu. Tôi đã bị tác động mạnh. Đó là cách biệt quá lớn giữa các đội tuyển mạnh ở châu Á. Chúng ta phải đối diện thế nào với khoảng cách ấy? Các bạn ơi, đừng lãng phí thêm dù chỉ một ngày”, Wu Lei chia sẻ trên trang cá nhân, đoạn chia sẻ đã khiến nhiều người yêu bóng đá Trung Quốc đau lòng.
Ở trận đấu tối hôm trước, tuyển Trung Quốc thua 0-1 trước Nhật Bản.
Khoảng trống sau Wu Lei
Tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, Wu Lei ghi 8 bàn, xếp sau hai siêu sao Ali Mabkhout (11) và Takumi Minamino (9).
Đội tuyển nào sở hữu những chân sút tầm ấy lẽ ra phải xưng hùng tại vòng loại thứ ba World Cup như UAE hay Nhật Bản. Nhưng Trung Quốc cũng có Wu Lei, vậy mà họ chẳng khiến ai sợ hãi. Đội tuyển bóng đá của đất nước tỷ dân khép lại 2 lượt trận đầu với 0 điểm, 0 bàn thắng.
Đặc biệt, hàng công Trung Quốc không có nổi một cú sút trúng đích trước Australia, Nhật Bản. Thất bại kiểu ấy là nỗi hổ thẹn. Nhưng đó là thất bại được báo trước nếu chúng ta nhìn vào nỗi cô đơn của Wu Lei.
So với tuyển Trung Quốc, 16 trong 23 cầu thủ Nhật Bản đang thi đấu tại châu Âu. 7 người trong số này đá ở 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu. Khi Wu Lei phải một mình vật lộn ở trời Âu, Nhật Bản thành lập văn phòng đại diện ở Đức để hỗ trợ các tuyển thủ của mình.
Chia sẻ với báo giới Trung Quốc, Wu Lei nhớ lại: "Thực ra từ đáy lòng, tôi hiểu xuất ngoại ở tuổi này (28) sẽ khiến tôi gặp khó trong việc cải thiện tình hình cho tuyển quốc gia. Nhưng tôi vẫn hy vọng với trải nghiệm của mình, tôi có thể mang tới cho các cậu bé Trung Quốc sự tự tin lớn hơn, có thể giúp họ mơ ước và dám theo đuổi mơ ước ấy.
Trong tương lai, tôi sẽ mang nhiều tư tưởng mới về Trung Quốc, giúp đỡ nền bóng đá. Họ cần hiểu việc học hỏi, đưa cầu thủ ra nước ngoài là điều quan trọng".
Bản thân Lei không phải ngôi sao Trung Quốc đầu tiên ở trời Âu. Hơn 20 năm trước, Yang Chen đã là cái tên đầu tiên ở Bundesliga dưới màu áo Frankfurt. Những năm sau, Fan Zhiyi, Sun Jihai, Ma Mingyu, Li Weifeng, Shao Jiayi, Zheng Zhi hay chính HLV trưởng tuyển Trung Quốc hiện tại Li Tie cũng đã xuất ngoại.
Họ thậm chí chứng minh được năng lực, cho thế giới thấy người Trung Quốc không thiếu tài năng bóng đá. Điển hình là trường hợp của Sun Jihai, hậu vệ đã có hơn 130 trận cho Man City giai đoạn 2001-2008.
Nhưng không ai trong số họ, kể cả Wu Lei, tạo được làn sóng như cách người Nhật Bản hay Hàn Quốc đã làm. Giới quan sát tin bên cạnh trình độ bóng đá, có 2 rào cản lớn ngăn cản cầu thủ Trung Quốc xuất ngoại. Thứ nhất là tư tưởng hướng nội rất mạnh thể hiện qua hạn chế ngoại ngữ, thích nghi văn hóa kém và khó khăn trong việc học hỏi cái mới.
Yếu tố thứ hai tới từ “bong bóng tiền” của Chinese Super League. Giống như Saudi Arabia hay UAE, cầu thủ Trung Quốc không có nhu cầu xuất ngoại khi đã được trả lương quá cao trong nước. Họ không cần mạo hiểm những gì đang có để đổi đời khi mọi thứ đã quá tốt đẹp.
Điều đó biến bóng đá Trung Quốc trở thành nghịch lý lớn ở châu Á. Trên bình diện CLB, các đại diện Trung Quốc rất mạnh, có HLV, ngoại binh chất lượng, đủ sức chơi sòng phẳng với mọi đối thủ cùng châu lục. Nhưng cấp CLB càng mạnh, thì cấp đội tuyển càng suy yếu. Sau World Cup 2002, Trung Quốc chưa một lần trở lại Cúp thế giới.
Tình hình chỉ cải thiện trong thời gian gần đây sau khi giới chuyên môn Trung Quốc lên tiếng mạnh mẽ. Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) đang lên kế hoạch tuyển mộ những tài năng trẻ chất lượng, đưa họ sang châu Âu đào tào với hy vọng lặp lại thành tựu giống như Wu Lei.
Nhưng đó vẫn là chặng đường dài.
Bài học từ Wu Lei
Bởi ngay cả niềm tự hào Wu Lei của người Trung Quốc cũng không phải bài học xuất ngoại hoàn hảo.
Sinh năm 1991, Wu Lei nhanh chóng thể hiện được tài năng thiêm bẩm từ những cấp độ bóng đá trẻ. Anh được tuyển vào lò đào tạo của cựu đội trưởng tuyển Trung Quốc Xu Genbao và nhanh chóng được Genbao miêu như là “Maradona của Trung Quốc”.
Năm 2006, ở tuổi 14 và 287 ngày, Lei trở thành cầu thủ trẻ nhất lịch sử ra mắt giải vô địch quốc gia. Tới năm 2013, anh giành Vua phá lưới nội Trung Quốc lần đầu trước khi thống trị danh hiệu này thêm 5 năm. Ngày đi Tây Ban Nha năm 28 tuổi, di sản của Lei là hơn 100 bàn trong chưa đầy 200 trận cùng Thượng Hải SIPG.
Vì sao cầu thủ như thế không xuất ngoại sớm hơn?
Đó là vấn đề của bóng đá Trung Quốc. Dù Lei đã khẳng định được năng lực rất sớm, những quan tâm dành cho anh từ châu Âu là không hề ít. Lei và Thượng Hải SIPG đã không hề nghĩ tới việc này. Họ bỏ lỡ những năm phát triển đẹp nhất của Lei ở Trung Quốc.
Mùa 2013, tại giải giao hữu Copa del Sol, HLV Ole Gunnar Solskjaer khi còn dẫn dắt Molde đã nhận xét về Lei: “Đó là tiền đạo chất lượng. Nếu tới Molde, tôi nghĩ trong một năm, cậu ấy có thể tiến bộ đủ để chơi bóng cho CLB Ngoại hạng Anh”.
6 năm sau lời nhận xét của Solskjaer, Lei mới lần đầu bước ra châu Âu. Và chẳng biết nên buồn hay vui cho tiền đạo này, bởi nhận xét của Solskjaer là hoàn toàn chính xác.
Màn trình diễn ở Asian Cup 2019 là cú đấm quyết định khiến Espanyol mở hầu bao cho Wu Lei. Không giống hợp đồng của nhiều sao châu Á khác, Espanyol mua Wu Lei ngay lập tức, trả 2 triệu euro cho hợp đồng có thời hạn 3 năm, chưa tính điều khoản gia hạn một mùa nữa.
Và cũng ngay lập tức, Wu Lei lấy suất đá chính ở La Liga. Anh chơi 90 trận trong 4 mùa, xô đổ hàng loạt kỷ lục của bóng đá Trung Quốc giống như năm xưa anh đã làm ở tuổi đôi mươi. Ngày 4/1/2020, đất nước tỷ dân nức nở khi Wu Lei sút tung lưới Barcelona của Lionel Messi. Anh là cầu thủ Trung Quốc đầu tiên làm được điều đó.
Thành tựu của Lei cho thấy anh đủ đẳng cấp để làm nên chuyện ở châu Âu. Nhưng đẳng cấp định hình ấy cũng cho thấy Lei đã đi tới giới hạn của mình. Anh tới châu Âu ở tuổi 28 và còn quá ít thời gian để kỳ vọng những tiến bộ bước ngoặt về chuyên môn.
Nhiều người Trung Quốc tin nếu Lei khát khao hơn, Thượng Hải SIPG nghĩ tới điều đó sớm hơn, đất nước tỷ dân sẽ có vì sao rực rỡ hơn ở trời Âu.
Trở lại quầy làm thủ tục bay tại Qatar, Lei sẽ nhìn thấy những đàn em Nhật Bản trẻ măng xung quanh mình. Takehiro Tomiyasu (Arsenal, 23), Ritsu Doan (PSV, 23), Takefusa Kubo (Mallorca, 20) hay “già” hơn là Takumi Minamino (Liverpool, 26).
Tất cả đều còn nhiều thời gian để tiến bộ. Với họ, tuyển Nhật Bản sẽ còn trên cơ Trung Quốc trong khoảng thời gian dài phía trước.
Wu Lei vì thế là niềm tự hào, nhưng cũng là nỗi tiếc nuối lớn lao của bóng đá Trung Quốc. Họ đã đổ rất nhiều tiền cho bóng đá, vung tiền cho giải quốc nội, đưa về những HLV kỳ cựu, những ngôi sao đẳng cấp. Nhưng họ lại quên đi nền tảng căn bản là đào tạo trẻ và chăm chút cho những cầu thủ nội.
Wu Lei bởi thế vẫn sẽ là ngôi sao cô đơn của tuyển Trung Quốc. Và có thể, anh sẽ lại cô đơn trước tuyển Việt Nam vào ngày 8/10.
Bình luận