Tờ Wall Street Journal hôm 8/1 đưa tin, các quan chức Ba Lan đã giấu kín bằng chứng và cố gắng ngăn chặn một cuộc điều tra quốc tế về vụ đánh bom đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), khiến các nhà điều tra “nghi ngờ về vai trò và động cơ của Warsaw” .
Các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 - nối Nga với Đức qua biển Baltic, đã bị phá hủy trong loạt vụ nổ gần đảo Bornholm của Đan Mạch vào tháng 9/2022. Đức, Đan Mạch và Thụy Điển mở cuộc điều tra chung, trong đó các nhà điều tra đưa ra giả thuyết về một nhóm Ukraine đã thuê du thuyền ở Đức từ một công ty Ba Lan để vận chuyển chất nổ đến địa điểm vụ nổ.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho hay, quá trình nhóm điều tra truy lùng những kẻ tình nghi ở Ba Lan đã bị các quan chức chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật của nước này cản trở.
Các nguồn tin cho biết, chính quyền Ba Lan đã không chuyển giao lời khai từ các nhân chứng - những người được cho là đã chạm trán với thủy thủ đoàn 6 người trên du thuyền tại cảng Kolobrzeg của Ba Lan. Cơ quan an ninh nội địa của Ba Lan (ABW) “không trả lời câu hỏi, làm xáo trộn hoặc đưa ra thông tin mâu thuẫn”.
Trong khi đó, công tố viên Ba Lan cho biết họ không tìm thấy dấu vết của chất nổ trên du thuyền, mặc dù chưa bao giờ lên thuyền để kiểm tra. Theo truyền thông, cuộc điều tra sau đó tìm thấy dư lượng chất nổ trên thuyền.
Các công tố viên được cho là đã nói với các nhà điều tra châu Âu rằng chiếc thuyền đã đến Kolobrzeg lúc 4 giờ chiều ngày 19/9, trong khi thực tế nó đã neo đậu trước đó. ABW sau đó thông tin du thuyền này “có liên hệ với hoạt động gián điệp của Nga”.
Theo những thông tin hiện có, không có chính phủ hay cơ quan tình báo phương Tây nào nghi ngờ Nga đứng sau vụ đánh bom. Khí đốt được bán cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream là nguồn thu sinh lợi cho Moskva và được coi là công cụ đòn bẩy mạnh mẽ cho biện Kremlin.
Tờ Wall Street Journal lưu ý rằng nỗ lực cản trở các nhà điều tra của Ba Lan đã khiến họ “ngày càng nghi ngờ về vai trò và động cơ của Warsaw". Các nhà điều tra đang liên hệ chính phủ mới của tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk với hy vọng ông sẽ cấp cho họ quyền tiếp cận với cảnh sát và nhân viên an ninh trước đây - những người có thể vì bị áp lực phải giữ im lặng thông tin.
Theo một giả thuyết khác do nhà báo Mỹ Seymour Hersh đưa ra, CIA phải chịu trách nhiệm về vụ nổ Nord Stream. Trích dẫn các nguồn tin trong cộng đồng tình báo, nhà báo Seymour Hersh lập luận rằng các thợ lặn CIA làm việc với hải quân Na Uy đã cài bom kích nổ từ xa trên các tuyến đường ống vào mùa hè năm ngoái khi NATO tổ chức các cuộc tập trận trong khu vực.
Bình luận