• Zalo

World Cup 2010: Nhìn, ngẫm và trở về

Bạn đọc viếtThứ Tư, 14/07/2010 04:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trái bóng Jabulani đã quay những vòng cuối cùng của nó. Người ta sẽ lại phải chờ 4 năm nữa mới được sống trong không khí này.

(VTC News) – World Cup 2010 đã khép lại. Giờ là lúc người ta có thể nhìn lại 64 trận đấu đã qua. Rất nhiều khía cạnh để tiếp cận, và dưới đây là góc nhìn của một tác giả trẻ, “vua phá lưới” VTC News tuần thứ 4 Lưu Anh Dương, mời các bạn đọc cùng chia sẻ và bình luận .

 

Các đội bóng lớn:

 

Pháp: niềm đau có thể gọi tên

 

Họ thất bại là điều được dự báo từ trước, chiến thuật tồi nhất trong số các đội bóng lớn tham dự giải lần này. Nhạt nhoà và quá tải, sẽ chẳng có gì đáng bàn với 1 đội bóng khi đi theo vết xe đổ của năm 2002 ngoài những mâu thuẫn nội bộ âm ỉ cháy trước thềm WC và đến khi họ nhận thất bại thực sự thì nó mới bùng cháy! Raymond Domenech quá dở, đó là sự thật. Đau đớn nhưng phải chấp nhận khi những đối thủ cùng bảng như Nam Phi, Mexico hay Uruguay đều khao khát chơi bóng hơn họ! Chờ đợi sự thay đổi triệt để ở kiến trúc thượng tầng nơi đội bóng tôi yêu.

 

Italia: thắng làm vua, thua làm giặc!

 

 

Họ đến Nam Phi với cái mác “đương kim vô địch thế giới”, vẫn những con người đó, vẫn HLV đó nhưng 4 năm đã là quá đủ để nhưng đội chân không còn thanh thoát! 4 năm trước họ là vua với lối đá canternacio trứ danh thì 4 năm sau họ thất bại ê chề mà ngay cả chiến thuật mà họ áp dụng chúng ta cũng không thể gọi tên. Vẫn trông chờ vào Pirlo, Cannavaro hay Buffon thì thất bại tất yếu khi chấn thương và tuổi tác đã cướp đi sự thanh thoát trên đôi chân họ. Không phải họ không có những sự thay thế, nhưng còn quá non nớt! Ngủ quên trên ánh hào quang Berlin và bây giờ họ phải trả giá. Thế thôi! Hy vọng Prandelli sẽ phá đi xây lại “bức tường Berlin“ năm nào để nó lại là bức tường kiên cố nhất thế giới để chúng ta chiêm ngưỡng.

 

Argentina: sự điên rồ phải chết!

 

Bóng đá hiện đại là thế, không còn có chỗ cho bất kỳ sự điên rồ thiếu tính toán nào! Diego Maradona với sự điên rồ của mình đã mang đến Nam Phi một đội bóng thiếu cân bằng đến mức ta có thể liên tưởng đến hình ảnh của 1 căn biệt thự hào nhoáng nhưng lại được đặt trên nền đất yếu vậy. Sụp đổ là tất yếu! Thậm chí nó còn không được xây bằng vữa đúng mác khi mà các siêu sao tấn công của họ vẫn chỉ là những đơn phân không liên kết. Thực ra Lionel Messi đã toả sáng để mang đến những chiến thắng có vẻ hào nhoáng cho họ nhưng trước 1 tải trọng thử quá lớn là Đức, căn biệt thự ấy đã sụp đổ! 4 năm nữa chúng ta sẽ lại thấy 1 Albeleste khôn ngoan hơn, 1 Maradona bớt đồng bóng hơn và 1 Leo Magic trưởng thành hơn. Hy vọng như vậy!

 

 


Anh: Hamlet!

 

Tấn bi kịch của Sheakerspear trút xuống những ai yêu mến Tam sư! Những suy nghĩ đơn sơ mộc mạc về công thức “lứa cầu thủ đang độ chín + cái đầu của Capello = cúp vàng” đã phá sản. Giống như việc đẩy đi để hòng thủ tiêu hoàng tử Hamlet, đến nỗi chàng trai đã phải thốt lên những câu bất hủ: “Ai là người có thể chịu đựng được những khinh khi của thời đại” hay “Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề”, vậy mà các cầu thủ Anh vẫn nói cứng trước nhiều phát biểu của họ. Nhưng thực tế thì sao? Đó là 1 đội bóng rệu rã đã kiệt sức sau 1 mùa giải dài ở đảo quốc sương mù. Đó là 1 đội bóng chứa đựng quá nhiều sự bất đồng và những vấn đề tâm lý. Đúng là dấu ấn của Capello trên đội bóng này là quá rõ, nhưng lại rõ đến mức mà các ngôi sao hàng chục triệu USD của nước Anh không thể phục tùng! Rooney đã đến đây và trở về trong tức tưởi. Có thể người Anh đổ lỗi cho trọng tài cướp đi sự sống của họ, nhưng có ai dám nói cứng rằng đội bóng này xứng đáng thắng trong trận gặp Đức?

 

Bồ Đào Nha: màu bã trầu u buồn

 

Ronaldo là tất cả những gì họ có. CR7 đã bị kèm quá chặt ở WC lần này, Queroiz vẫn chẳng khá hơn những người tiền nhiệm khi giả bài toán “Ronaldo và phần còn lại”. Dẫu sao bị loại bởi người hàng xóm – nhà vô địch – đã là 1 niềm an ủi với họ rồi!

 

Brazil : Thực dụng thua thực tế

 

Thực dụng là cái mà Dunga truyền hết tâm huyết để gây dựng ở Selecao với hy vọng đăng quang ở Soccer City. Nhìn những màn trình diễn của họ ở WC lần này nhiều người không khỏi lạnh sống lưng trước những pha bóng đậm chất Samba nhưng lại được đặt vững chắc trên nền tảng của sự thực dụng! Họ đã bị loại bởi Hà Lan trong một trận đấu kém may mắn và sai lầm cá nhân của Mello – cầu thủ có thể coi là biểu tượng của lối đá Dunga ở WC này. Hơn nữa bài toán tìm người thay thế 2 AMF là Kaka và Elano không được giải. Có lẽ trận đấu phi thể thao với BBN lại là điểm gở cho họ chăng? Thôi thì 4 năm nữa trên sân nhà họ sẽ lại làm tất cả khiếp sợ. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Việc của họ bây giờ là cần Refesh lại đội bóng đã.

 

Đức: đại bàng sông Rhein lột xác!


Có lẽ năm nay, không phải nhà vô địch mà chính là họ mới là đội bóng đáng xem nhất! Con đường đến Soccer City của họ đã bị chặn lại ở bán kết bới TBN, nhưng hãy nhìn lại những cái xác bỏ lại sau lưng họ: Argentina và Anh. Tất cả đều thuyết phục như những mệnh đề toán học. Loew đã thua, phải chăng là vì “thánh Paul” muốn thế? Đội hình trẻ trung của họ sẽ lại bay cao trong tương lai gần thôi. Hãy cứ tin thế nhé, những người yêu Mannschaft của tôi!

 

 

Hà Lan: may hơn khôn!

 

Đúng là The Oranje may thật! Rơi vào 1 bảng đấu có lẽ là nhẹ ký nhất trong các đội bóng lớn. Thắng, thắng và thắng. Cho đến trước trận chung kết, họ mới là đội bóng toàn thắng ở giải năm nay. Lối chơi bị xơ cứng hoá làm cho nhiều người ghét, nhưng nếu Chúa đã dành cho họ nhiều ưu ái đến thế thì ai có thể chống lại ý Chúa? Tuy nhiên, nên nhớ may mắn chỉ dành cho kẻ mạnh, những kẻ mạnh thực sự.

 

Tây Ban Nha: tiqui –tacca từ châu Âu đến châu Phi

 

Vẫn lối đá kiểm soát bóng trở thành lẽ sống, đội bóng của Del Bosque lầm lũi tiến vào trận chung kết. Có phần nào đó giống cỗ xe tăng Đức của quá khứ! Chỉ cần những thắng lợi tối thiểu, nhưng đội bóng được ví với bức tượng David đã đi tới trận đấu cuối cùng. Chẳng có gì cản bước họ được nữa, kể cả “gà què ăn quẩn cối xay” Hà Lan. Puyol đã chinh phục nốt danh hiệu cuối cùng và cũng là danh hiệu cao quý nhất của đời cầu thủ!

 

Những sắc màu còn lại:

 

Châu Mỹ Latin: Một sự trỗi dậy mạnh mẽ nơi châu lục đang phát triển này. Tất cả các trận đấu ở vòng tứ kết đều có sự góp mặt của họ. Nhưng để rồi vòng bán kết chỉ còn mỗi mình Uruguay lẻ loi trước bầy sói châu Âu. Dẫu sao đó cũng là 1 lời cảnh báo đáng sợ cho 4 năm nữa khi WC được tổ chức ở đây. Châu Âu hãy đợi đấy!

 

Châu  Phi: Nên giảm bớt suất tham dự WC của lục địa này thôi. 5/6 đã bị loại ở vòng bảng khi WC được tổ chức ngay tại sân nhà. Không bị quá tải như các ngôi sao châu Âu hay loay hoay tìm bản sắc như các đội bóng Nam Mỹ, những tưởng năm nay sẽ là năm của lục địa đen. Nhưng thực tế lại ngược lại, phần đa trong số họ đều còn quá ngây thơ và thiếu phương án tiếp cận khung thành đối phương. Dẫu sao cũng nên cảm ơn các khán giả Nam Phi, dù đội nhà bị loại sớm nhưng hiếm khi thấy các sân bóng còn chỗ trống. Một kỳ WC cũng thành công về mặt tổ chức đấy chứ!

 

 


Châu Á: châu Á của chúng ta đã làm nhiều người phải thán phục. Đó là niềm tự hào của những con người “máu đỏ da vàng”. Nếu bàn thắng của Endo hay Honda là những tuyệt phẩm sút phạt thì những bàn thắng của Park Chu Young hay Lee Jung Soo lại là những pha bóng được tính toán rất khoa học và chi tiết. Bóng đá châu Á là thế, một món lẩu với nhiều trường phái khác nhau nhưng vẫn dựa trên cơ sở sự mềm mại vốn có của người Á Đông. Triều Tiên đã không may mắn khi rơi vào bảng khó quá, nhưng dẫu sao thì “thà 1 phút huy hoàng rồi chợt tắt - còn hơn buồn le lói lệ trăm năm”.

 

Trọng tài:

 

 

Phải nói là công tác trọng tài năm nay dở! Nhiều pha bóng rõ mười mươi mà vẫn cứ giả câm giả điếc. Mấy trận đấu cuối còn đỡ, chứ mấy trận đầu thì cứ hở ra là thẻ đỏ, là lỗi 12. Hình như các ông ấy nhìn đâu cũng thấy vi trùng vậy. Colina từ chối bình phẩm về công tác trọng tài năm nay là khôn ngoan, vì nếu mà nói ra chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng cả. Xấu hổ lắm! Nhưng như thế còn hơn là áp dụng công nghệ cao vào bóng đá! Kịch liệt phản đối. Người ta còn nghĩ ra cái gì nữa sau Hawk Eyes đây? Một ông Colina bằng sợi carbon chăng?!

 

 

Trái bóng Jabulani đã quay những vòng cuối cùng của nó. Người ta sẽ lại phải chờ 4 năm nữa mới được sống trong không khí này. Nhưng trước khi đến đây, có ai không mong về nhà với chiếc Cup vàng danh giá đâu. Vì thế mới nói: “I won’t go home without you!”

 

Lưu Anh Dương



Bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Viết bài hay, gửi ảnh độc, nhận quà bất ngờ”. Mời bạn đọc tiếp tục gửi những nhận định, bài viết của mình về những chuyện trong hay ngoài sân cỏ World Cup, để nhận được những giải thưởng thú vị từ BBT. Vào đây để gửi bài viết của bạn, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn