Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp khẩn giữa Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng các chuyên gia y tế trong chiều nay (24/7).
Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh, sau khi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa tới các quốc gia khác. Hiện đã ghi nhận hơn 16.000 ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới và 5 trường hợp tử vong. Khu vực châu Á nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc như: Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Australia, Đài Loan (Trung Quốc).
Tại cuộc họp khẩn, BS Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ, Tổ chức WHO tại Việt Nam cho biết, dù hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian. Chúng ta cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế - những người có nguy cơ cao.
Đại diện WHO tại Việt Nam cũng thông tin, bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần tuy nhiên cũng có biến chứng. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến phổi, nhiễm trùng máu, mất nước, viêm não.
Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý để khi có ca bệnh sẽ hạn chế tối đa lây lan cũng như tử vong, đại diện WHO khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các nước cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singarpore đã ghi nhận ca bệnh.
"Từ tháng 4, nước ta đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế. Vì vậy người dân ở các quốc gia khác vào Việt Nam thuận lợi, trong đó có các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ", ông Nguyễn Lương Tâm cho biết.
Để chủ động phát hiện, ngăn chặn, đại diện Cục Y tế dự phòng đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh thành thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa.
Việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải theo đúng quy trình kiểm dịch y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu, trong đó cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.
Bình luận