Việt Nam đang ghi nhận trên 80 ngàn ca sốt xuất huyết, trong đó có 24 ca tử vong. Đặc biệt tại Hà Nội, số ca sốt huyết tăng từng ngày và Hà Nội đã trở thành địa phương đứng thứ 2 toàn quốc về số ca sốt huyết.
Mặc dù, sốt xuất huyết đang diễn ra phức tạp tại Việt Nam và một số quốc gia nhưng đến thời điểm này, WHO vẫn chưa đưa ra một khuyến nghị nào về nguyên nhân và sự bất thường của sốt xuất huyết năm nay.
Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, năm nay, nhận thấy sốt xuất huyết tại Việt Nam có những diễn biến bất thường, đặc biệt tại Hà Nội sốt xuất huyết diễn ra sớm và số bệnh nhân gia tăng nhanh.
Qua theo dõi, thấy Bộ Y tế đã đưa kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và đưa ra nhiều biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, do thời tiết bất thường và người dân tại một số nơi chưa tích cực phối hợp nên việc phòng bệnh vẫn chưa hiệu quả.
"Chúng tôi đang giúp đỡ Bộ Y tế trong việc đánh giá nguy cơ của dịch bệnh và đưa ra những khuyến cáo cũng như các kinh nghiệm từ những quốc gia khác trong việc phòng chống SXH. Ngoài ra, WHO cũng đưa ra những thông tin mới về các biện pháp kiểm soát muỗi và các vật trung gian truyền bệnh" - Tiến sỹ Masaya Kato, điều phối viên nhóm Các bệnh Truyền nhiễm cho biết.
Theo nghiên cứu, trong 30 năm qua, tỉ lệ mắc SXH trên thế giới đã tăng lên 30 lần. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu và tình trạng ấm lên toàn cầu, ngoài ra còn có các tác nhân khác như toàn cầu hóa, sự phát triển của thương mại, du lịch.
Tất cả tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng các sinh vật truyền nhiễm SXH, như muỗi Aedes. Chính những điều này, đã tạo sự thuận lợi cho loài muỗi sinh sôi và phát triển, kéo theo đó là sự gia tăng dịch SXH tại nhưng nơi trước đó chưa hề ghi nhận bệnh này. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát SXH.
Video: Sốt xuất huyết - vì sao người lớn chết nhiều hơn trẻ em?
Tiến sỹ Masaya Kato cho biết: "Việc ngăn ngừa và giảm số ca mắc SXH phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát muỗi truyền bệnh. Với Việt Nam, chúng tôi khuyến nghị cần cải thiện sự tham gia của cộng đồng và huy động các nỗ lực toàn dân trong việc phòng ngừa và kiểm soát SXH. Ngoài ra, cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan chức năng.
Chúng ta nên tập trung vào việc: tuyên truyền cho người dân tự phòng bệnh thông qua việc diệt loăng quăng, bọ gậy và chỉ khi người dân nhận thức đúng về việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân, việc phòng bệnh sốt xuất huyết mới có hiệu quả".
Bình luận