Kể từ ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là một đại dịch lây lan toàn cầu, hơn 6 triệu người đã tử vong trên toàn thế giới, hàng triệu người mất việc làm và học sinh thì không thể đến trường học trực tiếp.
Theo bà Michelle Bachelet, đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc, sự xuất hiện của vaccine sau đó đã giúp cứu sống vô số người, nhưng sự chia rẽ chính trị, sự chần chừ và bất bình đẳng trong hệ thống y tế đã khiến hàng triệu người trên thế giới không được tiêm vaccine và hậu quả là một đại dịch kéo dài.
“Thế giới đã vô cùng may mắn khi phát triển được vaccine hiệu quả ngừa COVID-19 trong một khoảng thời gian chưa từng có. Khoa học đã cứu hàng triệu sinh mạng và sinh kế. Nhưng chúng ta đã thất bại trong việc quản lý vaccine một cách công bằng và bình đẳng. Hiện tại, thất bại này đang kéo dài đại dịch”, bà Bachelet nói.
Tuy nhiên tình hình đã được cải thiện. Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới cho biết các ca mắc và tử vong do COVID-19 đang giảm trên toàn cầu và duy nhất khu vực Tây Thái Bình Dương chứng kiến số ca mắc gia tăng. Trung Đông và châu Phi có số ca mắc giảm lần lượt là 46% và 40%. Một mặt tích cực khác là bất chấp làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron, song việc tiêm chủng đã giúp cho mọi người có đủ khả năng bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2 và những đợt tăng đột biến trong tương lai có thể sẽ khiến các xã hội ít bị ảnh hưởng hơn nhiều.
Vào thời điểm đại dịch bước sang năm thứ 3, các chuyên gia y tế công cộng của WHO cũng bắt đầu thảo luận về cách thức và thời điểm để kêu gọi chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu liên quan tới COVID-19. Theo Bloomberg, tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 không chỉ là bước ngoặt mang tính biểu tượng, mà còn tạo thêm động lực cho các quốc gia triển khai thêm nhiều chính sách y tế công cộng trong giai đoạn đại dịch.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện dần các bước để quay trở lại cuộc sống bình thường, nới lỏng quy định cách ly và đeo khẩu trang, đồng thời mở cửa biên giới. Mặc dù vậy, các quốc gia châu Á thời gian gần đây ghi nhận số ca mắc kỷ lục và theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngay cả khi số trường hợp mắc giảm xuống mức thấp hơn, căn bệnh này vẫn có khả năng gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm, không khác gì các bệnh đang lưu hành như sốt rét và lao. Không chỉ vậy, mức độ nguy hiểm của các biến chủng mới là không thể đoán trước được.
“Mặc dù các ca bệnh và tử vong được báo cáo đang giảm trên toàn cầu và một số quốc gia đã dỡ bỏ các hạn chế, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc - và nó sẽ không kết thúc ở bất cứ đâu cho đến khi nó kết thúc ở tất cả mọi nơi trên toàn cầu”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Bình luận