Ca nhiễm bệnh Whitmore đầu tiên được phát hiện tại Burma, Myanmar vào năm 1911 bởi nhà khoa học người Anh tên Alfred Whitmore.
Các bệnh nhân là nhóm thanh niên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Rangoon với triệu chứng suy dinh dưỡng, sốt cao, trên cơ thể có những dấu vết như tiêm thuốc phiện. Ông Whitmore ban đầu cho rằng những người này bị sốc thuốc nhưng các chẩn đoán chỉ ra rằng họ bị nhiễm một loại vi khuẩn chưa từng được biết đến.
Họ đặt tên cho nó là Bacillus pseudomallei, nhưng không tìm ra cách để tiêu diệt. Vài ngày sau, nhóm thanh niên qua đời.
Tới năm 1932, căn bệnh do B. pseudomallei gây ra được đặt tên là Whitmore hay Melioidosis, các trường hợp phát bệnh chủ yếu được ghi nhận ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào, trong đó vùng Đông Bắc Thái Lan là tâm điểm của dịch bệnh trên thế giới.
Do B.pseudomallei sống trong đất, đường lây nhiễm chính là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Một số trường hợp khác lây nhiễm qua đường hô hấp khi hít phải bụi đất có chứa vi khuẩn.
Mùa mưa là thời điểm dễ lây lan Melioidosis nhất, đặc biệt là thời điểm từ tháng 7 đến tháng 11 khi những cơn mưa xối xả khuấy động vi khuẩn trong nước và đất. Đây cũng là mùa nông dân ra đồng nên họ dễ bị nhiễm bệnh do tay và chân trần bị ngâm thời gian dài trong nước và đất có chứa vi khuẩn.
Hầu hết những người tiếp xúc với B. pseudomallei đều không có triệu chứng. Với những người xuất hiện các triệu chứng, 85% đang ở trong giai đoạn cấp tính. Thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh Melioidosis cấp tính là 9 ngày (khoảng 1 - 21 ngày). Những người bị ảnh hưởng có triệu chứng nhiễm trùng huyết (chủ yếu là sốt), có hoặc không viêm phổi, áp xe cục bộ hoặc tập trung. Sự xuất hiện của các dấu hiệu và triệu chứng không rõ ràng khiến bệnh này được mệnh danh là "Người bắt chước hoàn hảo".
Những người bị đái tháo đường hoặc tiếp xúc thường xuyên với vi khuẩn có nguy cơ cao mắc bệnh Melioidosis. Biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể từ thay đổi màu da đơn giản đến các vấn đề nghiêm trọng về cơ quan nội tạng.
Ở miền bắc Australia, 60% trẻ em nhiễm bệnh chỉ bị tổn thương da, trong khi 20% bị viêm phổi. Các bộ phận phổ biến nhất bị ảnh hưởng là: gan, lá lách, phổi, tuyến tiền liệt và thận. Trong số các dấu hiệu lâm sàng, phổ biến nhất là nhiễm trùng máu, viêm phổi (50%) và sốc nhiễm trùng (20%).
Tùy thuộc vào quá trình nhiễm trùng, các biểu hiện nghiêm trọng khác có thể xuất hiện. 1% đến 5% những người bị nhiễm phát triển thành viêm não hoặc áp xe não; 14 đến 28% bị viêm khuẩn thận, áp xe thận hoặc áp xe tuyến tiền liệt; 0 đến 30% phát triển áp xe cổ hoặc tuyến nước bọt; 10 đến 33% bị áp xe gan, lách; 4 đến 14% bị viêm khớp nhiễm trùng và viêm tủy xương.
Do Melioidosis không gây ra dịch bệnh lớn hoặc đại dịch hay lây lan từ người sang người nên nó không trở thành tâm điểm của truyền thông hay nhận được sự chú ý từ chính phủ nhiều nước.
Ví dụ ở Campuchia, hàng nghìn trường hợp mắc Melioidosis được ghi nhận mỗi năm, nhưng giới chức không yêu cầu báo cáo về vấn đề này. Đây là vấn đề chung của hầu hết các nước Đông Nam Á.
Một số trường hợp mắc Melioidosis cũng bắt đầu xuất hiện ở Brazil và trên khắp châu Phi từ cách đây vài năm. Các trường hợp mắc bệnh không liên quan tới du lịch cho thấy mầm mống B.pseudomallei đang phát triển và sinh sôi ở lục địa đen.
Căn bệnh này cũng lan truyền tới Ấn Độ với số ca mắc tăng mạnh trong vài năm trở lại đây.
Bác sĩ Enoka Corea, người nhiều năm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm cho biết tình trạng biến đổi khí hậu với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn sẽ thúc đẩy thêm nhiều vi khuẩn phát triển trong đất, và mở rộng "địa bàn" hoạt động của B.pseudomallei . Các ca mắc Melioidosis mới ở Australia là một ví dụ.
Theo các số liệu thống kê năm 2016, ước tính có khoảng 165.000 người mắc Melioidosis mỗi năm, 89.000 người trong số đó (hơn một nửa) thiệt mạng. Bên cạnh Đông Nam Á, một số điểm nóng của Melioidosis đang nổi lên là Ấn Độ và Sri Lanka.
Trong khi vẫn chưa có vắc xin phòng Melioidosis, các nhà y tế kêu gọi chính phủ các nước cần có đánh giá nghiêm túc về căn bệnh nguy hiểm và đưa ra các biện pháp để ngăn chặn nó lây lan.
Bình luận