(VTC News) - Tờ báo nổi tiếng Washington Post có bài bình luận về chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ.
Bài viết trên Washington Post do ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương thực hiện.
Theo đó, ít có quốc gia nào có quá trình thay đổi mối quan hệ một cách sâu sắc trong thời gian ngắn như Việt Nam với Mỹ và chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đánh dấu thêm một mốc quan trọng trong quan hệ 2 nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc trả lời phỏng vấn các hãng tin, tờ báo Mỹ ngày 3-7 về chuyến thăm chính thức Mỹ - Ảnh: AP |
Trong 20 năm qua, Việt – Mỹ đã đi từ một lệnh cấm vận ngoại giao đến hiệp định thương mại song phương và quan hệ đối tác toàn diện.
Hiện nay, chuyến thăm của Tổng bí thư theo lời mời của Tổng thống Obama cho thấy Mỹ tôn trọng sự lựa chọn thể chế chính trị của Việt Nam.
Theo tờ báo này, thể chế chính trị Việt Nam và Mỹ khác nhau nhưng hai nước vẫn có những mối quan tâm chung như nền kinh tế thị trường, bảo vệ các nhà đầu tư hay hòa bình và ổn định trong các vấn đề quốc tế.
“Đối tác mạnh mẽ và những người bạn tốt không nhất thiết phải là những người giống nhau hoàn toàn. Đó là những người có thể chấp nhận nhau và có thể đối thoại thẳng thắn về những sự khác nhau của mình. Những khác biệt này không phải là vấn đề cốt lõi”, ông Quân viết.
Năm 1945, khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Thời khắc lịch sử đó có thể là sự khởi đầu cho mối quan hệ tích cực giữa Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, lịch sử lại đi theo một con đường khác.
Thế nhưng, sau 70 năm, với tinh thần gác lại quá khứ, hướng đến tương lai, hai nước đang đi theo xu hướng ‘hai quốc gia độc lập làm việc với nhau như những đối tác vì lợi ích chung’.
Thương mại nhảy vọt
Kinh tế là lĩnh vực mà Việt Nam mà Mỹ có nhiều lợi ích chung nhất. Bắt đầu từ những năm 1990, khi gần như chưa có giao dịch nào được thực hiện, thương mại giữa hai nước hiện nay đã phát triển đến mức độ ấn tượng.
Tăng trưởng từ 451 triệu USD năm 1995 đến 35 tỷ USD năm 2014.
Người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi từ nhiều sản phẩm rẻ và tốt đến từ Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, điều này không hề làm ảnh hưởng đến thị trường việc làm ở Mỹ mà chỉ là thay thế các sản phẩm mà Mỹ vốn phải nhập khẩu từ các nước châu Á khác.
Đổi lại, người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận được với những sản phẩm mà họ cần từ thị trường Mỹ đồng thời cũng tăng thu nhập từ việc xuất khẩu. Hàng triệu chiếc điện thoại di động Mỹ nằm trong túi người Việt, những chiếc máy bay Boeing xuất hiện trên các sân bay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Điều đó cho thấy, mối quan hệ thương mại Việt – Mỹ không phải là cuộc chơi hòa vốn mà đó chính là nơi cả 2 nước đều có những chiến thắng riêng cho mình.
Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ nhấn mạnh những thành tựu đã đạt được trong mối quan hệ song phương, nhưng quan trọng hơn đây sẽ là cột mốc quan trọng giúp đem lại những thay đổi tích cực hơn.
Hiện nay, Việt Nam mong muốn có thêm các nhà đầu tư đến từ Mỹ vì họ tham gia vào nhiều ngành hiện đại có thế mạnh trong tương lai như dịch vụ hay công nghệ, trong khi đó Việt Nam là thị trường sẵn sàng cho các ngành công nghiệp của thế kỷ 21, bài viết cho biết.
An ninh phát triển
Dĩ nhiên, quan hệ Việt – Mỹ không chỉ dừng lại ở hợp tác kinh tế, an ninh cũng là một lĩnh vực quan trọng cần được nhắc đến.
Hợp tác an ninh giữa 2 quốc gia đã được cải thiện rất nhiều và bây giờ chính quyền Washington bước đầu gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Hà Nội và Washington cùng nhau chia sẻ mục tiêu hòa bình và ổn định trong khu vực.
Theo bài viết này, cả hai chính phủ đều muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua thương lượng, trên cơ sở luật pháp quốc tế và sự tôn trọng tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.
Kết quả là, Việt Nam và Mỹ đã trở thành những đối tác tự nhiên khi nói đến việc thúc đẩy sự ổn định trong khu vực Đông Nam Á.
Về các vấn đề nhân đạo, Việt Nam rất tích cực hỗ trợ quân đội Mỹ tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh được các cựu binh Mỹ hết sức ủng hộ.
Nhưng ngược lại, vẫn còn hàng ngàn người Việt phải hứng chịu hậu quả từ chất độc màu da cam và bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Đối với Việt Nam – cả chính phủ lẫn người dân – một hoạt động có trách nhiệm từ Mỹ giúp xoa dịu vết thương chiến tranh sẽ có ý nghĩa rất lớn.
Mặc dù rõ ràng Hà Nội và Washington sẽ không đột ngột đồng ý hoàn toàn về quan điểm chính phủ của mỗi nước. Tuy nhiên, việc mời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn không có vị trí tương ứng trong hệ thống cầm quyền Mỹ sang thăm cho thấy sự tôn trọng đầy đủ hơn của Washington với thể chế chính trị Việt Nam.
Việt Nam nhìn về Mỹ với nhiều mục tiêu như hợp tác về giáo dục, khoa học và công nghệ, đầu tư, thị trường, chăm sóc sức khỏe hay văn hóa. Miễn là 2 bên tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết và đối thoại chân thành mối quan hệ Việt Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ông Hoàng Bình Quân bày tỏ trong bài viết trên Washington Post.
Tùng Đinh (theo Wahsington Post)
Bình luận