Ngày 27/3, lễ khánh thành 2 cầu nối VWS1 và VWS2 được tổ chức tại dự án Khu công nghệ môi trường xanh ở xã Tân Lập (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Theo đó, 2 cây cầu này là cầu nối từ đường Quốc lộ N2 vào Khu công nghệ môi trường xanh, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 450 triệu USD do Công Ty Cổ Phần Xử Lý Chất Thải Việt Nam (VWS) là chủ đầu tư.
Phát biểu tại buổi lễ, ông David Dương - Tổng Giám đốc Công Ty Cổ Phần Xử Lý Chất Thải Việt Nam cho rằn, 2 cây cầu VWS, VWS2 là điểm nối huyết mạch quan trọng dẫn vào Khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa (Long An).
"2 cầu VWS1, VWS02 thuộc dự án Khu công nghệ môi trường xanh do VWS làm chủ đầu tư theo quyết định của Chính phủ. 2 cầu và đường dẫn vào có quy mô tổng bề rộng chỉ giới xây dựng của 1 cầu là 75m bao gồm 6 làn xe chạy rộng 3,5m mỗi làn, mỗi bên 3 làn xe được ngăn cách với nhau bằng dải phân cách rộng 5m, hai bên đường bố trí vỉa hè rộng 10m và hành lang an toàn rộng 13,5m", ông David Dương cho biết.
Được biết, Khu công nghệ môi trường xanh là dự án quy hoạch xử lý rác tỉnh Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, công nghệ xử lý rác tại đây phải có đầu ra sản phẩm hữu ích bằng công nghệ tái chế, tái tạo năng lượng,... để hạn chế tối đa tỷ lệ chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất (tỷ lệ chôn lấp dưới 9%), đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.
Theo ông David Dương, VWS xác định lựa chọn tỉnh Long An là địa bàn đầu tư chiến lược nên sẽ dành tối đa nguồn lực, tập trung đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục quan trọng của dự án nhằm đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
"Dự án khi hoạt động sẽ tạo nên công ăn việc làm cho người lao động địa phương và thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Long An nói riêng và khu kinh tế trọng điểm phía Nam cùng TP.HCM nói chung", ông David Dương chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phan Văn Tới - Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) chia sẻ, hiện nay áp lực xử lý rác của tỉnh, trong đó có huyện Thủ Thừa là rất lớn. Chất thải sinh hoạt hiện nay ở toàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, tổng khối lượng thu gom xử lý trên 500 đến 600 tấn/ngày.
Số lượng rác này được vận chuyển đến xử lý tại nhà máy Tâm Sinh Nghĩa (Thạnh Hóa, Long An) khoảng 50%, 50% còn lại xử lý tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp và Đa phước (TP.HCM), số ít còn lại được xử lý tại các lò đốt ở các huyện.
Do đó, UBND tỉnh Long An làm việc, thống nhất với VWS trước mắt công ty đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt công suất 1.000 tấn/ngày trong Khu công nghệ môi trường xanh theo quy hoạch được phê duyệt. Dự kiến đưa vào vận hành năm 2019 một module với công suất 250 tấn/ngày đêm.
"2 cây cầu kết nối đưa vào sử dụng hôm nay tạo tiền đề để dự án lò đốt rác này sớm hoàn thành, góp phần cho công tác bảo vệ môi trường, đề nghị chủ đầu tư sớm vận hành, khai thác đầu tư xây dựng hạ tầng để sớm đưa dự án vào hoạt động.
Chúng ta kỳ vọng công tác xử lý rác của tỉnh trong thời gian tới sẽ thuận lợi và giảm được chi phí thu gom vận chuyển cho ngân sách", ông Tới cho biết.
Dự án Khu công nghệ môi trường xanh được phân thành 3 giai đoạn sử dụng đất như sau:
- Giai đoạn 1 (đến năm 2025): diện tích khoảng 1.308ha, chiếm 74,31%, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung cho dự án, xây dựng một phần cơ sở tái chế chất thải rắn, cơ sở xử lý CTR theo công nghệ sinh học, cơ sở đốt, bãi chôn lấp hợp vệ sinh, khu điều hành, khu công viên cây xanh, khu cảng và toàn bộ mảng cây xanh cách ly.
- Giai đoạn 2 (2026 - 2035): diện tích khoảng 192ha, chiếm 10,91%, trong đó tiếp tục mở rộng phát triển các khu chức năng đã triển khai trong giai đoạn 1.
- Giai đoạn 3 (2036 - 2050): diện tích khoảng 260ha, chiếm 14,78%, trong đó tiếp tục mở rộng phát triển các khu chức năng đã triển khai trong các giai đoạn trước và có tính đến đổi mới công nghệ hiện đại.
Bình luận