Start up đang tạo nên "cơn sốt" ở Việt Nam. Tuy nhiên, một thống kê đã đưa ra con số rất phũ phàng cho những ai đam mê tạo nên sự nghiệp riêng cho mình: Có tới 80% start up không có cơ hội kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2 của mình. Nguyên nhân thì nhiều nhưng tựu chung lại, start up phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Vay nợ người bán gạo
Ở thời điểm hiện tại, start up gặp khó khăn 1 thì cách đây khoảng 15 năm, start up còn khó khăn gấp bội. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục quốc tế Atlantic (Atlantic Group) là một trong số ít các start up vượt khó để có được thành quả ngày hôm nay. Đó là cơ ngơi trăm tỷ Tập đoàn Giáo dục quốc tế Atlantic (Atlantic Group). Trong đó, nổi bật nhất là Atlantic Five-Star English Academy.
Khởi nghiệp năm 2003 ở lĩnh vực du học, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ đây là lĩnh vực... sở đoản của bà. Sở đoản vì ngày đó, trên thị trường du học, các giám đốc hầu hết đều rất giỏi ngoại ngữ. Còn bà thì tay ngang. Khi tốt nghiệp đại học, bà thừa nhận mình chỉ nói được vài câu tiếng Anh thông thường. Còn giao tiếp thì bà chịu thua.
Thiếu vốn ngoại ngữ gây khó dễ cho bà rất nhiều khi làm việc với đối tác nước ngoài. Nhưng đó không phải khó khăn duy nhất, bà Ngọc Lan chia sẻ, ngoài ngoại ngữ, một start up như bà còn nhiều lần điêu đứng về vốn, kinh nghiệm và cách ứng xử. Bà Lan kể thời gian đầu, bà cứ vô tư thể hiện bản thân mình, thể hiện mọi cung bậc cảm xúc mà không để ý tới người xung quanh. Cho tới khi, nhân viên ra đi, bà mới sực tỉnh và nhận ra sai lầm trong cách ứng xử của mình.
"Tôi học về quản trị kinh doanh, học về cách quản lý các con số, các chiến lược kinh doanh nhưng không được học cách làm sếp ở góc độ con người. Ngày nay, các bạn start up thoải mái lựa chọn cho mình những khóa học CEO, CFO,... nhưng những người như chúng tôi không có được may mắn đó. Và chúng tôi phải trả giá bằng những xáo trộn lớn về nhân sự", bà Lan không giấu giếm vấp váp đầu đời.
Vốn cũng là lực cản của bà trong kinh doanh. Gia đình không có điều kiện kinh tốt nhưng bằng lòng đam mê và tính quyết đoán cao, bà Lan mạnh dạn vay anh trai 1.700 USD để khởi nghiệp. Thời gian đầu, khi công ty có quy mô nhỏ xíu, số vốn này tạm đủ sống. Thế nhưng, không lâu sau đó, vốn đã trở thành vấn đề rất lớn.
Nhiều thời điểm, bà tưởng chừng không thể vượt qua được vì thiếu vốn. Nhưng thật may mắn, bà đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ mẹ. Mẹ đã vay tiền của người bán gạo đầu ngõ giúp nữ chủ nhân của trung tâm du học trang trải lương nhân viên.
Tinh thần "cho đi"
Đây là câu chuyện mà bà Lan thường xuyên kể với nhân viên về tinh thần "cho đi". "Nếu không có bà bán gạo, chẳng biết tôi sẽ vượt qua khó khăn như thế nào. Vì vậy, dù hơn 10 năm trôi qua, tôi luôn coi bà là ân nhân của mình. Thỉnh thoảng, tôi mua quà biếu bà để tỏ lòng cảm ơn", bà Lan chia sẻ.
Tấm lòng thơm thảo của người bán gạo đã truyền cảm hứng "cho đi" của bà Lan. Bà Lan mỗi khi nhớ đến "ân nhân", bà không ngại giúp đỡ những người xung quanh, giúp đỡ ngay cả những người xa lạ. Bà quan niệm, mỗi lần "cho đi" là mỗi lần nhận về hạnh phúc.
Với tinh thần "cho đi", bà Lan và cộng sự đã dày công xây dựng Atlantic Group, trong đó nổi bật nhất là Atlantic Five-Star English Academy. Five-Star là trung tâm tiếng Anh 5 sao dành cho các học viên từ 11 tuổi trở lên.
"Tại sao Five-Star lại là "cho đi"? Tôi làm giáo dục vì đam mê, không phải vì lợi nhuận, Nếu vì lợi nhuận, tôi có thể rót hàng trăm tỷ vào lĩnh vực khác, nơi mang về cho tôi thu nhập gấp 5, gấp 6, thậm chí gấp 10 lần. Ngày xưa, khi ra trường, tôi không giao tiếp được bằng ngoại ngữ. Và tôi tin rằng, bây giờ cũng vậy, rất nhiều tân cử nhân không thể nói chuyện được với người nước ngoài. Thậm chí, có em học viên đạt IELTS 7.5 nhưng khi sang Mỹ vẫn phải tham gia thêm 1 khóa học tiếng Anh. Tại sao lại có tình trạng này? Đó là do các em được dạy học mẹo, học tủ", bà Lan tâm sự.
Vì thế, với Five-Star, bà Lan muốn tạo ra những thế hệ học sinh không bị "tủ đè", những học sinh có kiến thức thực sự và có kiến thức nhờ say mê học tập, chứ không phải ép buộc.
"Cha mẹ có thể ép các con vào lớp nhưng không thể ép các con say mê học. Nhưng Five-Star thì khác. Không tin bạn cứ tham dự bất kỳ 1 lớp học nào ở Five-Star, bạn sẽ thấy tất cả các con đều say mê với tiếng Anh.
Các con học tiếng Anh qua các dự án thu thập, tìm hiểu và nghiên cứu thông tin. Các con được tạo cơ hội thuyết trình trước đám đông về kiến thức mà mình có được. Thậm chí, Five-Star còn có cả phòng studio đạt chuẩn để các con dựng phim theo kiến thức mà mình có được. Đó là cách học sống động, đầy cảm hứng", Bà Lan hào hứng kể về phương pháp dạy học tại Five-Star.
Video: Trở thành tỉ phú nhờ chim câu
Để chứng minh tinh thần cho đi của mình, bà Lan khẳng định chồng bà đang sở hữu công ty sản xuất thức ăn gia súc có doanh số lên tới 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Thức ăn gia súc là mảng có tốc độ sinh lời cao hơn nhiều so với giáo dục. Thế nhưng, bà đã làm điều trái khoáy là rút tiền từ nơi sinh lời cao sang tiền có nơi sinh lời thấp hơn.
"Tôi đã thuyết phục chồng tôi chuyển 100 tỷ từ mảng thức ăn gia súc sang Five-Star. Nếu không có đam mê, tôi không thể làm được điều đó, không thể 'xin' tiền chồng tôi được. Tất cả những gì tôi làm là vì ước mơ các con nắm chắc ngoại ngữ.
Với vốn tiếng Anh mà Five-Star cung cấp, các con dễ dàng xin được học bổng du học, dễ dàng bắt nhịp khi sang nước bạn. Bắt nhịp cả bằng tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm chủ bản thân", bà Lan tâm sự.
Bình luận