Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, ngành du lịch của Tây Ninh đã phục hồi mạnh, tăng trưởng ngoạn mục, nằm trong top các địa phương dẫn đầu về du lịch, tăng trưởng về lượt khách đến tham quan.
“Doanh thu tăng 54,2% so cùng kỳ cho thấy tiềm năng du lịch của tỉnh rất rõ, do đó, toàn tỉnh càng phải quyết tâm tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy du lịch tăng trưởng mạnh hơn nữa”, ông Ngọc nói.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế tỉnh tăng trưởng 5,2%. Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP ước thực hiện 26.219 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 18,6% - 47,3% - 29,4%.
Nhìn nhận thực tế, chủ tịch Nguyễn Thanh Ngọc nêu rõ những hạn chế, mặc dù kinh tế được khôi phục nhưng hoạt động của một số ngành còn gặp khó khăn, các nội dung đột phá của tỉnh đạt kết quả chưa nổi bật, giải ngân xây dựng cơ bản tuy cao hơn mức bình quân của cả nước nhưng chưa đạt theo mong muốn; thu hút đầu tư giảm so cùng kỳ; thu ngân sách chưa đạt so kế hoạch đề ra; cải cách hành chính thiếu tính bền vững dù đã được cải thiện, hai chỉ số PAS Index và PCI giảm mạnh…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, 6 tháng cuối năm 2022, tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch không lơ là, mất cảnh giác, triển khai tiêm mũi tăng cường cho người có nguy cơ cao, người tự nguyện trong cộng đồng, nhằm kiềm chế, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các địa phương có các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Đối với các ngành trong tỉnh, ông Ngọc cho rằng, cần có những giải pháp, nhất là về cơ chế chính sách để xử lý dứt điểm các điểm nghẽn về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai; thực hiện chặt chẽ công tác quy hoạch, các thủ tục liên quan việc chuyển quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp, đất trồng lúa.
“Các địa phương chịu trách nhiệm trong việc xảy ra các trường hợp vi phạm về quản lý đất đai”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Bình luận