Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lượng dầu nước này nhập khẩu từ Nga đạt tổng cộng 15,68 triệu tấn trong tháng 1 và tháng 2/2023, tương đương 1,94 triệu thùng mỗi ngày, tăng 23,8% so với 1,57 triệu thùng/ngày trong cùng thời gian năm 2022.
Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô Trung Quốc từ Ả Rập Xê-út đạt tổng cộng 13,92 triệu tấn trong giai đoạn 2 tháng đầu năm 2023, tương đương 1,72 triệu thùng/ngày, giảm so với 1,81 triệu thùng/ngày một năm trước đó.
Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc trong năm ngoái, với tổng lượng dầu vận chuyển đạt 86,2 triệu tấn.
Ả Rập Xê-út là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2022, với 87,49 triệu tấn dầu thô nước này xuất sang Trung Quốc, tương đương 1,75 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu mua đối với nguồn cung dầu của Nga đã bị hạn chế sau khi phương Tây áp giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Moskva. Điều này khiến Nga phải giao dịch với mức chiết khấu sâu so với các tiêu chuẩn quốc tế.
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc là một trong những người hưởng lợi chính từ sự điều chỉnh giá bán của Nga.
Sau thời gian ngắn tạm dừng nhập khẩu vào cuối năm 2022, ngay trước thời điểm Liên minh châu Âu bắt đầu cấm vận dầu mỏ của Nga, tập đoàn dầu mỏ Sinopec và PetroChina của Trung Quốc đã bắt đầu nối lại hoạt động mua hàng dầu Urals của Nga hồi tháng 2. Điều này diễn ra do nhu cầu nhiên liệu trong nước tăng sau khi Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế COVID-19.
Các nhà tinh chế Trung Quốc thông qua các nhà nhập khẩu trung gian để vận chuyển và đảm bảo vấn đề bảo hiểm dầu thô của Nga, tránh vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.
Dữ liệu hải quan cũng cho thấy nhập khẩu từ Malaysia là 0,65 triệu thùng/ngày trong giai đoạn này, tăng 144,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Malaysia thường được sử dụng làm điểm trung gian cho các hàng hóa bị trừng phạt từ Iran và Venezuela.
Bình luận