Không một tấc đất cắm dùi, tài sản có lẽ lớn nhất của vợ chồng chị Trần thị Huệ là hai đứa con ngoan, học giỏi cùng gần 500 gốc vải thiều đã ra trái ngọt trên vùng đồi xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Dễ tưởng cuộc sống lam lũ người làm vườn sẽ êm đềm, hạnh phúc, nhưng ai ngờ chị lại phải chịu một bản án đầy oan khuất, mất hết tính người. Đâu là sự thật đằng sau kỳ án này?
Bản hợp đồng "niềm tin"
Theo bản án phúc thẩm hình sự ngày 23/9/2016 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử vắng mặt bị cáo Trần thị Huệ ghi: Năm 1997, bà Đoàn Thị Sung là cán bộ VKSND huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) có hợp đồng viết tay thuê bố con ông Nguyễn Sỹ Khanh (có hộ khẩu tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) cải tạo trồng vải thiều trên khu đồi có diện tích trên 25 ngàn m2 do bà đấu thầu tại thôn Lại Tân (xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn).
Theo đó, ông Khanh bỏ công sức và cùng đầu tư cây giống, phân bón để trồng cây ăn quả. Khi thu hoạch, sau khi trừ chi phí, sản phẩm sẽ chia đôi cho hai bên.
Đặc biệt, khi bà Sung có nhu cầu sử dụng lại diện tích trên, sẽ phải chia lại 1/3 đất và cây trồng như một hình thức trả công cải tạo, trồng trọt cho ông Khanh. Bản hợp đồng hai gia đình có sự chứng nhận của người thân, mỗi bên cùng giữ một bản.
Cũng cần nói thêm rằng, quan hệ giữa bà Sung và ông Khanh không giản đơn là chủ đất và kẻ làm vườn mà còn là nội tộc. Chính vì vậy, ngay từ đầu, bản hợp đồng đã không ra địa phương công chứng, chứng thực.
Cho đến ngày 30/4/2000, hai bên vẫn tiên quyết xác lập lại bản hợp đồng với cùng nội dung và chỉ khác hai bên sẽ hợp tác lâu dài, thay cho bản hợp đồng có thời hạn 15 năm cho đến khi bà Sung có nhu cầu sử dụng đất.
Tin lời họ hàng, tin vào sự cam kết giấy trắng mực đen, bố con ông Khanh không quản công sức, bỏ quê hương gia đình, trần mình dốc sức quật đất làm vườn. Gần 6 héc ta đất đồi cằn khô cây dại qua năm tháng đổ bao mồ hôi, nước mắt dần cho màu xanh của cây trái.
Theo chân bố lên vùng đồi heo hút từ khi chớm 16 tuổi đời, anh Nguyễn Sỹ Thành đã lấy vợ, sinh 2 đứa con, nhập khẩu tại thôn Lại Tân, xã Tân Lập được cả xóm cưu mang, thương yêu cũng không thể ngờ rằng, gia đình anh lại phải chịu đắng cay như thế.
Đến vụ lật kèo
Gần 20 năm dốc sức cùng vợ con vạt đất, trồng cây, chưa biết mùi vị quả ngọt đã bị bà Sung lật kèo đòi vườn. Nhiều lần chính quyền hoà giải đề nghị bà Sung thực hiện cam kết trả công sức cho bố con, vợ chồng anh Thành, nhưng họ chỉ nhận được 'quả đắng'.
Khi có đủ các cơ quan chức năng, bà Sung đã tung ra những giấy tờ chỉ người có địa vị mới làm được. Đó là sổ đỏ chứng thực quyền sử dụng 25.305 m2 đất vườn. Giấy trao tặng toàn bộ diện tích đất trên cho cô con gái ruột là Trần Thị Thảo và kèm theo là đơn bà khởi kiện bố con ông Khanh chiếm dụng đất vườn.
Tất cả giấy tờ của Bà Sung đều được các cơ quan huyện Lục Ngạn rốt ráo xem xét và họ lại lờ đi bản hợp đồng giữa hai gia đình đã được xác lập trước đó.
Phiên toà xét xử tranh chấp đất đai nhanh chóng có kết quả. Toà tuyên buộc bố con ông Khanh phải tháo dỡ công trình và trả đất cho bà Sung.
Tiếc công, tiếc của, vụ vải năm 2015, vợ anh Thành ngậm ngùi thu hoạch phần còn lại của vườn. Tưởng cây trái đầu mùa sẽ cho quả ngọt, ai ngờ vợ chồng anh lại nhận được trái đắng.
Mới thu hoạch được 1 tấn quả, bà Sung gọi công an bắt ngay tại trận. Cũng chẳng cần nhiều lời, lại ra toà và đương nhiên phần thua lại về vợ chồng anh Thành. 9 tháng tù với tội danh Công nhiên chiếm đoạt tài sản, khi tuyên án khiến hai vợ chồng ngã gục trước chốn công đường?!.
Ông Phạm Trọng Huỳ, nguyên Trưởng thôn Lại Tân, xã Tân Lập không giấu nổi sự bất bình nói với chúng tôi: “Từ năm 1997 cho đến khi công an bắt chị Huệ, vợ anh Thành, chúng tôi chẳng biết bà Sung là ai cả. Vườn vải chính tay vợ chồng họ trồng chăm bón sao lại bảo họ chiếm đoạt? Thôn Lại Tân có 150 hộ đều ký đơn làm chứng cho vợ chồng Thành - Huệ là người có công trồng, chăm sóc cho vườn vải này. Chúng tôi được mời ra toà làm chứng, nhưng không ai được nói nên mới có sự oan ức”.
Ông Khúc Văn Bằng (Phó chánh án TAND huyện Lục Ngạn) là chủ toạ các phiên toà dân sự khi bà Sung khởi kiện đòi đất và cũng là chủ toạ phiên toà hình sự xét xử Trần Thị Huệ - vợ anh Thành - đã thừa nhận với chúng tôi rằng, toà thiếu khách quan khi không đưa bản hợp đồng của chủ vườn và người làm thuê để xem xét.
Ông Bằng cũng thừa nhận, giữa ông và bà Sung có thời gian cùng công tác với nhau tại huyện Sơn Động. Ngày 2/2/2016, phiên tòa hình sự xét xử Trần Thị Huệ 9 tháng tù, nhưng đến ngày 22/2/2016, bà Sung lại có đơn kháng cáo vẫn được Toà xem xét. Và cho đến ngày 1/8/2016, tức là chỉ còn 3 tháng nữa Trần Thị Huệ hết án tích, thẩm phán Khúc Văn Bằng tiếp tục ký thông báo về việc kháng cáo theo đúng trình tự xét xử phúc thẩm đối với Trần Thị Huệ.
Làm việc PV, thẩm phán Khúc Văn Bằng luôn khẳng định, gia đình Trần Thị Huệ rất hoàn cảnh. Vì quá nghèo, không đủ nộp tiền án phí, xã Tân Lập phải đứng ra xác nhận hộ nghèo để xin toà miễn giảm tiền án phí cho vợ chồng Huệ. Cũng vì 1 tấn vải chỉ bán được 5 triệu đồng, mà cả thôn Lại Tân góp được 12,7 triệu đồng nộp trả cho bà Sung theo phán xét của Toà để mong Huệ thoát tù, nhưng cũng chẳng được.
Rõ ràng, vụ việc này chỉ từ tranh chấp dân sự rất đỗi bình thường nhưng dư luận bất bình khi các cơ quan tố tụng đưa vào hình sự hoá, đẩy người nông dân hiền lành, chất phác vào cảnh tù tội.
Gặp chúng tôi, chị Trần Thị Huệ uất nghẹn trong nước mắt: "Đời chúng cháu chẳng tiếc làm gì, chỉ thương hai con đang tuổi đến trường sẽ ra sao khi vết nhơ của bản án làm ảnh hưởng đến tương lai của chúng nó?"...
- Năm 199, bà Đoàn Thị Sung làm hợp đồng thuê ông Nguyễn Sỹ Khanh cải tạo, trồng cây ăn quả với thời hạn 15 năm.
- Năm 2000, hai bên làm lại hợp đồng thời hạn lâu dài với điều kiện, sản phẩm thu hoạch chia đôi, khi bà Sung lấy đất sẽ chia lại cho ông Khanh 1/3 diện tích.
- Năm 2008, bà Sung hợp thức làm sỏ đỏ.
- Năm 2009, viết giấy trao tặng cho con gái ruột là Trần Thị Thảo.
- Năm 2010, chị Trần Thị Thảo đòi đất, đuổi vợ chồng Huệ Thành.
- Năm 2011 khởi kiện, Toà buộc vợ chồng anh Thành trả lại đất cho chị Thảo.
- Năm 2014, Chi cục THA Lục Ngạn cưỡng chế tài sản vợ chồng anh Thành ra khỏi đất.
- Năm 2015, công an bắt chị Huệ về tội chiếm đoạt tài sản theo trình báo của bà Sung.
- Năm 2016, TAND huyện Lục Ngạn xét xử Trần Thị Huệ tuyên 9 tháng tù tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Bình luận