Tháng 11/2017, Zhang Yiming - CEO của Bytedance mua lại ứng dụng tương tự như TikTok, nhưng phổ biến ở phương Tây là Musical.ly. Sau đó, Zhang xóa bỏ hoàn toàn và thay thế bằng cái tên TikTok trong nỗ lực dấn thân vào thị trường toàn cầu.
Quyết định này gieo mầm cho những rắc rối trong tương lai, nhưng là bài học quan trọng cho các công ty Trung Quốc khác đang muốn thâm nhập vào thị trường phương Tây.
Vì sao lại là TikTok?
Theo Wang Yong, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, TikTok bị đẩy vào vòng xoáy chính trị phức tạp ở thời điểm quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.
"Mỹ hiện xem Bắc Kinh là đối thủ chính của mình và nhắm mục tiêu cụ thể vào các công ty công nghệ cao của Trung Quốc", Wang nói.
Giữa tháng 8, Tổng thống Trump yêu cầu ByteDance thoái vốn TikTok trong 90 ngày, với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Nhưng cũng chỉ nửa tháng sau, Trung Quốc dựng lên một rào cản trong việc bán TikTok khi ban hành danh sách các công nghệ bị hạn chế hoặc cấm xuất khẩu.
Trong suốt quãng thời gian dài, TikTok trở thành vấn đề thường xuyên được đề cập trong các cuộc họp báo tại Washington hay Bắc Kinh.
Nhưng đâu là lý do khiến TikTok lại trở thành mục tiêu tiếp theo sau Huawei - gã viễn thông khổng lồ Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau các lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ? Và lý do vì sao Huawei hay Tiktok đều là những lo ngại an ninh của xứ cờ hoa?
Giống như người sáng lập của hầu hết các công ty công nghệ sừng sỏ của Trung Quốc, mối quan hệ của Zhang với chính quyền Bắc Kinh khá phức tạp. Zhang vừa phải làm Bắc Kinh hài lòng, nhưng không được quá gần gũi để gây ra những lo ngại bên ngoài Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với Atlantic vào tháng 7, Zhang khẳng định mình không phải là đảng viên. Anh nói một số quan chức đã tiếp cận với mình 1 năm trước với đề nghị giúp đỡ khi TikTok gặp rắc rối chính trị ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, Zhang đã cử nhân viên của mình tới gặp những người này như một hành động cho thấy anh không muốn dính dáng quá nhiều tới Bắc Kinh.
Nhưng khi chính quyền không hài lòng, Zhang không thể ngồi yên. Năm 2018, ByteDance được yêu cầu đóng cửa ứng dụng hài hước có tên Neihan Duanzi, vì có nội dung không phù hợp.
Zhang công khai xin lỗi và cam kết sẽ tăng cường “xây dựng đảng” trong công ty.
Cựu lãnh đạo an ninh mạng Trung Quốc Lu Wei, người bị kết án 14 năm tù vì tội tham nhũng vào năm 2019 từng kêu gọi các công ty internet Trung Quốc làm ăn với Bytedance. Nhưng Zhang phủ nhận có mối liên hệ mật thiết với Lu, hoặc hưởng lợi từ bất cứ mối quan hệ nào liên quan tới ông này.
Tuy nhiên, những rắc rối gần đây ở Mỹ khiến quan hệ của ByteDance với Bắc Kinh trở nên thân thiết hơn. Do đó, nhóm của Zhang mới đây gửi đi yêu cầu gặp Đại sứ Trung Quốc tại Washington, Cui Tiankai.
Vì an ninh quốc gia Mỹ
TikTok không phải là trường hợp đầu tiên mà Washington đẩy lùi các khoản đầu tư công nghệ nước ngoài từ Trung Quốc.
Năm 2018, Ant Financial - doanh nghiệp khổng lồ cung cấp dịch vụ tài chính thuộc kiểm soát của Tập đoàn Alibaba cũng bị Mỹ chặn thương vụ thâu tóm MoneyGram International Inc với lý do lo ngại về an ninh.
Năm 2019, công ty trò chơi Trung Quốc Beijing Kunlun Tech buộc phải bán Grindr, ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng tính, sau khi một ủy ban ninh quốc gia Mỹ đánh giá nó 'đe dọa an ninh quốc gia Mỹ'.
Theo các nhà phân tích, nếu nhìn lại quá trình đã đi của Bytedance trong tham vọng vươn ra toàn cầu, Zhang nên thừa nhận việc không thông báo cho Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) về thương vụ mua lại Musical.ly là một bước đi sai lầm.
Mặc dù thông báo là không bắt buộc, nhưng giới chuyên gia cho rằng ByteDance lẽ ra nên chủ động hơn trong việc đảm bảo thỏa thuận này luôn nằm trong tầm mắt của Washington. Nếu vậy, tình hình hiện nay đã khác đi rất nhiều.
“CFIUS có thể đã nói rằng không cần xem xét lại thỏa thuận hoặc nó không gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia sau khi thực hiện đánh giá", luật sư Zhou Qing phân tích.
Theo Zhou, cũng có thể CFIUS đã chặn thương vụ mua lại này ngay từ đầu vì lo ngại an ninh.
"Nhưng dù thế nào đi nữa, CFIUS sẽ không thực hiện bước đi như hiện tại nếu ByteDance thông báo thỏa thuận đó", ông này phân tích.
Zhou cho biết Tổng thống Mỹ có toàn quyền quyết định 1 công ty có gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia hay không. Điều này đặt các công ty như TikTok hay Huawei vào tình thế khó khăn.
"Không thể tranh cãi với chính phủ Mỹ về việc liệu công ty đó có đặt ra mối đe dọa như vậy hay không. Tòa án sẽ không đưa ra phán quyết về điều đó hay nói quyết định của tổng thống là một sai lầm. Thẩm phán sẽ chỉ kiểm tra các vấn đề thủ tục liên quan tới vụ kiện đề cập tới CFIUS", Zhou nói.
Theo các chuyên gia, bài học mà ByteDance rút ra từ mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình là cần phải có kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp. Trong quý II, ByteDance chi 500.000 USD cho các nhà vận động hành lang của Mỹ, tăng mạnh so với kỷ lục trước đó là 300.000 USD vào quý I.
Trong khi đó, Huawei bỏ ra 1,7 triệu USD trong 3 tháng (7-9/2019) sau khi bị liệt vào danh sách các sản phẩm cấm mua của Washington.
Ông Wang cho rằng các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ cần thuê thêm các chuyên gia về pháp lý và chính trị để hiểu môi trường kinh doanh ở nước ngoài, đồng thời duy trì liên lạc với các quan chức Trung Quốc.
“Đối mặt với một môi trường chính trị rất khác và nhiều quy định hơn, các công ty công nghệ phải học cách giảm thiểu rủi ro chính trị", ông này nói.
Các vấn đề địa chính trị hiện đã không còn giới hạn ở Mỹ và Trung Quốc.
Tháng 6/2020, TikTok bị liệt vào danh sách 59 ứng dụng Trung Quốc bị cấm ở Ấn Độ sau một cuộc đụng độ biên giới đẫm máu. Theo Wang, môi trường quốc tế với các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn và xu hướng chống chủ nghĩa toàn cầu đang phát triển.
“Thời kỳ đỉnh cao của toàn cầu hóa đã qua... Tôi nghĩ có thể sẽ mất từ 2-5 năm nữa để môi trường cho các doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra nước ngoài được cải thiện tốt hơn", ông nói.
Dev Lewis, thành viên tại tổ chức tư vấn Digital Asia Hub cho biết các công ty Trung Quốc vẫn có thể mở rộng ra toàn cầu, nhưng thị trường mà họ có thể khai thác sẽ nhỏ hơn nhiều. Trong đó Đông Nam Á và Nam Á là những thị trường hứa hẹn nhất dù không phải là các khu vực tạo ra nhiều doanh thu nhất.
Cựu Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của Huawei tại Bill Plummer tin rằng vẫn sẽ có cơ hội cho các công ty công nghệ Trung Quốc trên thị trường thế giới.
"Nhưng cơ hội đó sẽ hạn chế hơn ở Mỹ và các nước đồng minh liên quan tới các ngành được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng", ông này khẳng định.
Bình luận