Ở vùng đất "chưa mưa đã thấm" Quảng Nam, ông Đoàn Văn Dũng (60 tuổi, khối Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) được mệnh danh là "ông trùm" mai vàng bởi lão nông này đang sở hữu gần 200 gốc mai với tổng giá trị lên tới hàng tỷ đồng.
Ông Dũng kể, cách đây đúng 2 thập kỷ, ông bén duyên với nghề trồng mai sau vài lần có dịp chiêm ngưỡng những cây mai "khủng" có tuổi đời lên tới 5-6 chục năm của những "bậc thầy" trong làng.
"Từ sự thích thú tưởng chừng nhất thời, tôi dần dà mê mẩn trước sức hút của loại cây cảnh được xem là biểu tượng của ngày Tết cổ truyền. Thuở mới chập chững vào nghề, tôi tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc mai từ sách báo, đặc biệt là kinh nghiệm mà những người có thâm niên trong nghề truyền đạt. Vụ mai đầu tiên, tôi thất bại vì mai nở không trúng những ngày Tết Nguyên đán. Về sau, tôi rút ra được nhiều bài học quý giá", ông Dũng chia sẻ.
Sau nhiều năm cất công vun trồng, chăm sóc, 5 năm trở lại đây, ông Dũng sở hữu gần 200 cây mai với đủ loại mai xuân, hồng diệp...
Theo ông Dũng, ngoài tuổi đời, việc tạo thế cũng là một phần quan trọng quyết định giá trị của cây mai. "Người trồng mai nói riêng hay cây cảnh nói chung xem công đoạn tạo thế cho cây hết sức quan trọng. Ở vườn mai của tôi, hầu hết cây có thế trực lắc, số ít còn lại có thế thác đổ, siêu phong", ông Dũng nói.
Mặc dù đã "khai sinh" hàng trăm cây mai có thế đẹp và được định giá lên tới 200 triệu đồng, thế nhưng nhiều năm qua, lão nông này kiên quyết không bán mà chỉ cho thuê.
"Thường niên, cứ vào tầm cuối tháng 11 Âm lịch, tôi thuê cả chục lao động để lặt lá. Cũng thời điểm này, các chủ nhà hàng, khách sạn, công ty, xí nghiệp...bắt đầu tìm tới để thuê mai. Chốt xong đơn đặt hàng nào, tôi ghi chú ngay trên chậu mai và tầm 20 đến 25 tháng Chạp là vận chuyển tới tận nơi giao cho khách", ông Dũng cho hay.
Trung bình một vụ Tết, gần 200 cây mai được cho thuê với giá dao động từ 5-35 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lão nông Đoàn Văn Dũng "bỏ túi" xấp xỉ cả tỷ đồng.
Bình luận