Báu vật còn sót lại của nhân loại
Ðể có được chuyến đi vào quần thể bách xanh duy nhất trên thế giới, chúng tôi đã phải mất 5 ngày nằm chờ đợi cái gật đầu của lãnh đạo VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Không phải lãnh đạo vườn làm khó báo chí, cũng không phải do chuyến đi vất vả hay mạo hiểm, lí do duy nhất là vì bảo mật cho quần thể bách xanh vô giá này.
"Vườn địa đàng" được phát hiện tình cờ năm 2004 trong một chuyến khảo sát của Giáo sư Leonid Averyanov (Viện thực vật Khamarop, Nga), Giáo sư Phan Kế Lộc (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh học Việt Nam) và cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Cứu hộ động vật hoang dã của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Những công bố sau chuyến khảo sát về quần thể bách xanh trên núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng của nhóm các nhà khoa học đã khiến giới thực vật học thế giới chấn động. Bởi tại thời điểm đó họ chỉ biết đến bách xanh núi đất, hoặc một vài cá thể bách xanh núi đá, chứ chưa hề ghi nhận cả một quần thể bách xanh núi đá lên đến hàng nghìn ha như ở Phong Nha - Kẻ Bàng.
Những ghi nhận ban đầu của các nhà khoa học cho thấy, quần thể bách xanh núi đá (có tên khoa học Calocedrus rupestris) ở Phonng Nha - Kẻ Bàng phân bố trên diện tích hơn 5.000 ha, trong đó có hơn 2.000 ha đông đặc, khoảng 600 cây/ha. Chúng sinh sống trên đỉnh những khối núi đá vôi cao từ 700m đến 1.000m. Ðiều đặc biệt, quần thể bách xanh này có tuổi đời trên 500 năm, chiều cao đạt trên 30m, đường kính nhiều cây lên đến 2m.
Bách xanh núi đá tại Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học mà thân gỗ của nó rất có giá trị. Giới chơi gỗ cho rằng: Bách xanh núi đá được xếp đứng đầu trong “linh mộc” vì sự tinh khiết và thanh cao của nó. Bách xanh đắc địa trên đỉnh những khối núi đá vôi khô cằn không cây gì sống được.
Chúng hấp thu linh khí của trời đất để sinh trưởng và phát triển. Hương thơm của bách xanh làm cho tinh thần con người sảng khoái, trong khi côn trùn không dám bén mảng. Còn đối với tộc người bản địa, trong tâm thức của họ, bách xanh là “vật thiêng”, biểu tượng của sự vững chãi và trường tồn.
Giáo sư Leonid Averyanov từng khuyến cáo: Quần thể bách xanh núi đá lớn chưa từng thấy này, là tài sản vô giá không chỉ của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Việc bảo tồn cấp thiết, có hiệu quả phải được xem là mục tiêu có tính ưu tiên hàng đầu trong chiến lược bảo tồn của Việt Nam, bởi đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu.
Vườn địa đàng nơi trần thế
Mặc dù được các kiểm lâm của vườn dẫn đi trên con đường nghe nói là dễ nhất, nhưng hành trình mà chúng tôi đi qua để đến “vương quốc” bách xanh không hề đơn giản chút nào. Những bức tường đá dựng đứng, những mỏm đá tai mèo sắc lẹm, trơn trượt chắn hết lối đi, khiến chúng tôi phải nghỉ mất 5 chặng, trước khi tận mắt nhìn thấy bách xanh.
Kiểm lâm viên dẫn đường cho biết, ở đây chỉ có duy nhất bách xanh, không trộn lẫn một loài cây nào khác. “Chúng tôi đi tuần rừng thường xuyên, nhưng chưa bao giờ thấy cây bách xanh nào sống ở lưng chừng núi. Duy nhất có một loài được bách xanh cho cư ngụ cùng là phong lan, một số loài lan hài bị cho là tuyệt chủng trên thế giới đã được tìm thấy ở đây”, người dẫn đường giới thiệu.
Kiểm lâm viên dẫn đường tâm sự: Nghề kiểm lâm vất vả nhất là tuần rừng, nhưng mỗi lần lên quần thể bách xanh thì ai cũng háo hức, như được sang một thế giới khác. Ðến mùa hoa lan nở, cả quần thể bách xanh như một khu vườn địa đàng ngập tràn sắc màu. Trên những thân cây bách xanh già cỗi, sần sùi... như được ai đó thay cho chiếc áo mới muôn màu kết từ hoa phong lan, bướm bay rợp trời, chim chóc, muông thú kéo về hót râm ran cả khu rừng.
Ở độ cao khoảng 700m so với mặt nước biển, trên những đỉnh đá vôi khô cằn là quần thể bách xanh ngút ngàn tầm mắt. Ðúng như lời người dẫn đường nói, mọi mệt mỏi sau chặng đường hiểm trở bỗng chốc tan biến khi được mắt thấy, tay sờ cá thể bách xanh đầu tiên.
Thật khó có thể tưởng tượng, trên đỉnh núi chỉ toàn đá lại có thể tồn tại một loài cây khổng lồ và dày đặc đến vậy. Nhiều cá thể bách xanh lớn đến mức cả chục người ôm không xuể, sừng sững vươn lên trời cao, tán lá trải rộng che kín ánh mặt trời. Trên thân và cành của chúng chi chít phong lan đeo bám với vô số chủng loại.
Cũng chính tại quần thể bách xanh này, các nhà khoa học đã tìm thấy 3 loài hoa lan hài quý hiếm, gồm: lan hài xanh, lan hài đốm và lan hài xoắn. Giá trị thương mại của loài lan đặc hữu rất cao, được xếp trong Sách đỏ thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, loài lan này được phát hiện từ những năm 1922, nhưng sau đó mất tích cho đến năm 1995 thì xuất hiện ở Khánh Hòa và Cao Bằng. Sau 2 tháng xuất hiện, loài lan hài trên đã bị tuyệt diệt vì giới săn lan lùng dữ dội.
Kiểm lâm viên dẫn đường cho biết, quần thể bách xanh này đang được bảo vệ nghiêm ngặt và tuyệt mật. Ngay cả cành nhánh khô mục, cũng bắt buộc phải đánh số trước khi mang về làm mẫu vật nghiên cứu, tuyệt đối không được mang về dùng. Ðội ngũ kiểm lâm đang chốt giữ ở đây phải qua sàng lọc kỹ càng, tên của từng người được giữ kín vì sợ lâm tặc tìm cách mua chuộc.
Vị doanh nhân có tiếng trong ngành du lịch đi cùng đoàn xuýt xoa: “Nếu như người dân chúng ta có ý thức cao trong bảo vệ di sản, thì ở đây sẽ là một tour du lịch sinh thái mạo hiểm có một không hai trên thế giới. Du khách sẽ được thưởng ngoạn quần thể bách xanh duy nhất của thế giới với muôn điều kỳ thú. Và lúc đó, giá trị của di sản ngày càng được phát huy”.
Video: Vết nứt sạt trượt ở Vườn Quốc gia Ba Vì
Bình luận