Mong muốn con trai làm quen dần với chữ cái và con số, chị Nguyễn Thị Thu Hoài (37 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) quyết định cho đi học con học thêm ngay từ đầu tháng 8. Thế nhưng khi bước vào năm học mới, dù con đã tự tin, chị Hoài vẫn duy trì lịch học đều đặn cho con với 4 buổi học thêm, gồm 3 buổi tối trong tuần và một buổi chiều cuối tuần.
Theo quan điểm của chị, con trai phải học kín ngày, kín tuần, mới củng cố được kiến thức. Nếu không học thêm, sẽ không theo được các bạn.
"Nhiều hôm tới trường đón con về đi học thêm, con ngây thơ hỏi “lại phải đi học hả mẹ?”. Tôi nghe mà chỉ biết cười trừ. Buổi tối, thấy con bước ra từ lớp học thêm với vẻ mặt phờ phạc, mệt mỏi, tôi không khỏi xót xa nhưng không còn cách nào khác ngoài việc động viên con cố gắng", nữ phụ huynh nói.
Chị Hoài kể khi còn nhỏ, gia đình khó khăn, cả chị và chồng đều không có điều kiện được đi học nên có phần thua thiệt hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Do đó, hai vợ chồng quyết đầu tư toàn lực cho cậu con trai, không để con thua thiệt bạn bè.
Mỗi buổi học thêm của con trai chị Hoài có giá từ 150.000 - 200.000 đồng. Ước tính một tháng gia đình sẽ dành riêng một khoản tiền khoảng 4 triệu đồng để con học thêm. Dẫu tốn kém tiền bạc hay mất nhiều thời gian đưa đón, vợ chồng chị vẫn chưa bao giờ nghĩ đến việc ngừng cho con đi học.
Không chỉ chị Hoài, nhiều phụ huynh cho hay, từ đầu năm học mới đến nay, con thường ra khỏi nhà từ sáng và về nhà lúc 7-8h tối, sau đó lại làm bài tập tới 9-10h khuya. Có gia đình cho con học thêm tất cả các buổi trong tuần, thậm chí cuối tuần với lý do sợ con không theo kịp chương trình và các bạn trong lớp.
“Lịch học của con chưa là gì so với các bạn trong lớp”, “Phải học kín ngày, kín tuần, mới củng cố được kiến thức” hay “Ở nhà con không tập trung, bố mẹ kèm không nổi”… là những lý lẽ biện minh được một số phụ huynh đưa ra.
Theo cô Bùi Thị Nhơn, giáo viên trường Tiểu học Tân Thành A (Bình Phước), khá đông các bậc phụ huynh cho rằng chương trình của các con hiện quá nhanh, quá khó. Do vậy, cần cho con đi học trước chương trình, học thêm đủ các lớp.
“Bản thân tôi nhận thấy chương trình tiểu học, đặc biệt là khối lớp 1 hiện nay không nặng, các em hoàn toàn có thể theo kịp, nếu như phụ huynh không đặt nặng về mặt thành tích", cô Nhơn nói.
Thế nhưng với tâm lý sợ thua bạn bè, lực học không đủ xuất sắc, nhiều phụ huynh ở thành phố sẵn sàng xếp lịch học của con kín như bưng, thời gian học lên tới 9-10 tiếng/ngày, hơn cả người đi làm, "như vậy là khao khát thành tích, giải thưởng chứ không thực sự lo lắng cho tương lai của con trẻ".
Bước vào lớp 1, một số em đã biết đọc, viết, tính toán, vô tình tạo nên sự khác nhau về kỹ năng, nhận thức giữa các học sinh trong cùng một lớp. Tuy nhiên giáo viên sẽ dạy theo chương trình chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, chứ không dạy theo những gì học sinh đã biết. Do đó, cha mẹ không nên lo lắng và không cần thiết phải cho con đi học thêm quá nhiều.
Đừng biến giáo dục thành cuộc đua khắc nghiệt
Chứng kiến những đứa trẻ vừa chân ướt chân ráo vào lớp 1 đã sớm phải bước vào cuộc đua khắc nghiệt mà chính chúng cũng không hiểu lý do, TS Hồ Lâm Giang, chuyên gia tâm lý giáo dục, trưởng ban cố vấn giáo dục Happy Teen xót xa: “Lịch học của đứa trẻ 6 tuổi, đau lòng thay lại nhiều hơn của người trưởng thành đi làm, hay ngay cả một học sinh đang đến tháng cao điểm ôn thi vào lớp 10, ôn thi đại học”.
Học tập là hành trình dài, đòi hỏi sự tự thân nỗ lực, sự yêu thích, đam mê. Tiếc là tâm lý sợ thua kém "con nhà người ta" mà nhiều bố mẹ hy sinh chính tuổi thơ con mình để đổi lấy thành tích, sự ngưỡng mộ của xã hội.
TS Giang cho rằng, những phụ huynh sắp xếp cho con cái lịch học dày đặc, bản thân họ có lẽ từng nạn nhân của bệnh thành tích, khi chỉ quan tâm tới kết quả học tập mà bỏ qua sự phát triển về thể lực và tinh thần của trẻ.
Bên cạnh học kiến thức, trẻ cần được học về cách ứng xử, cách giao tiếp, yêu thương để khám phá và cảm nhận cuộc sống. Tuy nhiên với lịch học dày đặc được phụ huynh sắp xếp như hiện nay, trẻ khó có thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn, chưa nói đến việc kết nối với thiên nhiên hay có hoạt động giải trí, thể lực thường xuyên.
Với cuộc chạy đua như vậy, các gia đình sẽ có thêm thành tích nhưng cũng sẽ mất nhiều hơn thế, khi tạo ra những đứa trẻ sợ học, sợ tới trường, luôn trong trạng thái mệt mỏi và kiệt quệ.
“Chúng ta đã chứng kiến áp lực của các em học sinh cấp 2, cấp 3 trong các kỳ thi vượt cấp. Tuy nhiên, áp lực giờ đã đè nặng tới cả những em với vào lớp 1, thật khiến tim những người lớn, cũng làm người cha người mẹ như tôi thắt lại”, TS Giang nói và mong các bậc phụ huynh hãy cân nhắc, đưa ra sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp vì sự phát triển cân bằng và toàn diện của trẻ.
Bình luận