Sử nhà Nguyễn, bộ “Đại Nam thực lục”, ghi lại rằng vào năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), vào ngày mồng 1 Tết Canh Tuất, việc đầu tiên là nhà vua đội mũ Cửu Long, mặc áo hoàng bào, đeo đai ngọc, cầm trấn khuê, đưa quần thần đến cung Từ Thọ làm lễ mừng thọ Hoàng thái hậu.
Sau đó vua thay đồ mặc thường (vì đang trong thời gian để tang vua cha là vua Minh Mạng), ra ngự ở điện Văn Minh, các quan mặc đẹp, vào lạy. Nhà vua thưởng cho các quan kim tiền, ngân tiền có thứ bậc. Các quan chức ở bên ngoài Kinh đô, ai bị phạt về tội công cũng đều được khoan tha.
Ngày mùng 2 Tết, nhà vua làm lễ ân tiến ở điện Hiếu Tư, nơi thờ phụng vua cha.
Sang năm sau, nhà vua vẫn thực hiện nghi lễ chúc tết Hoàng thái hậu rồi sau đó ra ngự ở điện Cần Chính, các quan mặc đẹp, vào lạy. Vua thưởng các quan kim tiền, ngân tiền Phi long có thứ bậc khác nhau. Nhà vua bảo thị thần rằng: “Trẫm từ khi trị vì đến nay, thường lấy việc dân làm trọng. Đêm qua, lúc hết năm cũ sang năm mới, đêm tĩnh, trời êm, gió hoà, mây tạnh, chắc là điềm lành năm tốt, trẫm rất lấy làm vui lòng!”.
Nhân ngày Tết, vua ngự điện Văn Minh, vời hoàng thân Kiến An công, Định Viễn công và các đại thần Vũ Xuân Cẩn, Trương Đăng Quế vào, cho mỗi người 1 chữ “Trung” do vua thân viết. Vua cũng bảo các quan ở Nội các rằng: “Cần là cái đức tốt của vị vua. Trẫm thường lấy chữ đó để răn mình. Xuân năm nay, khai bút, ta viết một chữ “cần” lớn nên treo ở bên chỗ ngồi trong điện Văn Minh để tiện cảnh tỉnh”.
Đến năm Thiệu Trị thứ 4, ngày mùng Một Tết, sau khi mừng thọ Thái hậu, nhà vua ngự điện Thái Hòa, nhận lễ mừng, ban yến và thưởng có thứ bậc. Trong chiếu chỉ ban hành đầu năm, vua Thiệu Trị ban nhiều ân điển cho quần thần và dân chúng.
Với các quan viên ở Kinh đô và ngoài tỉnh, ai can án phải giáng hoặc cách chức, thì đều xét cho khai phục. Viên quan nào bị giáng 1 cấp, sẽ cho khai phục cả; ai bị giáng 2 cấp, sẽ cho khai phục 1 cấp. Các viên quan bị cách lưu, đổi làm giáng 4 cấp lưu. Những viên quan bị phạt lương mà chưa ggi vào trong danh sách thì đều tha cho cả.
Nhà vua cũng thưởng tiền, thóc cho các phu trạm, trong đó chiếu theo chỗ nhiều việc, chỗ ít việc mà thưởng cho tiền, thóc tới 6 tháng khác nhau.
Ngày Tết đầu năm Thiệu Trị thứ 5, nhà vua vẫn thực hiện các nghi lễ như các năm trước, nhưng sau đó, vua ngự điện Đông Các, triệu đình thần vào hầu, cho ngồi, ban cho nước trà, đưa cho xem bốn chữ "Trung, Cần, Phúc, Thọ" do vua viết, rồi sau đó hạ lệnh giao khắc in để ban cấp cho quần thần.
Tết năm đó, vua Thiệu Trị cũng sai Thượng thư bộ Lễ Nguyễn Trung Mậu đọc bài thơ vua làm kỷ niệm ngày vui tết Nguyên đán, trong bài thơ có câu: “Lộ bất thập di, y thực túc; Gia vô bế hộ quản huyền doanh”, nghĩa là: Ai nấy đủ ăn đủ mặc, đi đường không nhặt của rơi. Nhà nào cũng vang tiếng quản huyền, cổng ngõ đêm đến không phải đóng.
Tết năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ban ơn tất cả 21 điều, như các Hoàng tử, hoàng tôn, hoàng thân và các quan viên đều được ban thưởng, cho tiệc yến 1 lần và gia thưởng kim tiền, ngân tiền có từng bậc. Các món tiền thuế thân, tiền đầu lõi, tiền tạp dịch ở các địa phương đều được tạm hoãn 5 phần 10.
Năm ấy, phủ Thừa Thiên tâu lúa má được xanh tốt; 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình tâu dân gian được yên ổn. Nhà vua vui mừng nói rằng: “Thóc là của báu sống lâu, dân là căn bản của nước, đầu năm cầu Phúc, điểm tốt nào lớn hơn thế được !”.
Khi xem tập tâu của tỉnh Gia Định nói rằng: “Năm ngoái, 4 phủ, 9 huyện được mùa to tất cả, so với năm thường hơn gấp đôi, từ trước đến nay chưa có năm nào được mùa tốt như thế”, nhà vua cũng rất vui mừng, bảo hộ Hộ rằng: “Nam Kỳ khổ vì việc chinh chiến đã lâu, 4 - 5 năm nay, giá gạo quá cao, nay được tin hay, một hạt như thế, hạt khác có thể biết được, ta rất mừng cho dân địa phương ấy”.
Tết năm đó, vua Thiệu Trị xa giá đến chơi hồ Tĩnh Tâm giảng võ, lên lầu Trừng Luyện nghỉ một chút, sai hoàng tử, hoàng đệ đi tuỳ giá làm 4 bài thơ.
Bình luận