• Zalo

Vừa nhậm chức, tân Bộ trưởng GD-ĐT liên tiếp nhận 'đơn đặt hàng'

Giáo dụcChủ Nhật, 10/04/2016 12:38:00 +07:00Google News

Vừa với nhậm chức, tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã liên tiếp nhận được những lời góp ý và kỳ vọng của các chuyên gia giáo dục,

(VTC News) - Vừa nhậm chức, tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã liên tiếp nhận được những lời góp ý và kỳ vọng của các chuyên gia giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Đổi mới giáo dục phổ thông


Với kinh nghiệm giảng dạy và quản lý của ông Phùng Xuân Nhạ trong gần 30 năm, nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục, phụ huynh, học sinh cả nước mong mỏi nhiều đổi mới ở tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận được liên tiếp những đơn đặt hàng của chuyên gia, giáo viên, phụ huynh, học sinh
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận được liên tiếp những "đơn đặt hàng" của chuyên gia, giáo viên, phụ huynh, học sinh 

Đối với giáo dục phổ thông, nhiều giáo viên mong mỏi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo “thay đổi không dừng lại giữa chừng”. Nhiều phụ huynh mong muốn tân Bộ trưởng sẽ giải quyết được vấn nạn “chạy trường, chạy lớp” tồn tại trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh cũng mong muốn tân Bộ trưởng sẽ nghiên cứu cách thi THPT để không gây tâm lý căng thẳng cho thí sinh nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu phân loại đề ra.

Trên diễn đàn giáo dục “Chúng tôi là giáo viên” với hơn 150.000 thành viên cũng đã đăng tải bản kiến nghị gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm 10 điểm.

“Nhiệm kỳ mới bắt đầu. Mỗi một lần thay đổi tư lệnh ngành, mọi giáo viên và học sinh trên mọi miền đất nước đều vừa vui vừa lo lắng.

Niềm vui chắc chắn đến từ sự mong đợi 1 tương lai mới, 1 sự phát triển mới cho ngành giáo dục nước nhà. Còn sự lo lắng - có lẽ nhiều hơn bởi không biết rồi chúng ta sẽ lại đổi mới như thế nào. Với tất cả sự trân trọng, tôi mong Tư lệnh hãy lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh khi đổi mới”, ý kiến trên diễn đàn "Chúng tôi là giáo viên" nêu.
Kiến nghị trên diễn đàn nhận được hơn 14.000 lượt thích và chia sẻ
Kiến nghị trên diễn đàn nhận được hơn 14.000 lượt thích và chia sẻ 

Trong đó, 10 kiến nghị được gửi đến tân Bộ trưởng gồm nhiều việc như giải quyết tình trạng sinh viên Sư phạm ra trường không có việc làm, tăng lương cho giáo viên, bãi bỏ thông tư 30; Giảm giấy tờ sổ sách cho giáo viên, giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều việc, bỏ thi giáo viên giỏi, bỏ quy định giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của giáo viên.

Những chia sẻ này ngay lập tức đã nhận được hơn 14.000 lượt thích và hơn 13.000 lượt chia sẻ trên facebook. Rất nhiều ý kiến đồng tình với bản kiến nghị, song cũng có những ý kiến chỉ ra những điểm còn chưa phù hợp.

Tuy nhiên, đa số các ý kiến mong muốn tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có thể nghiên cứu, xem xét để đổi mới giáo dục.
TS Lương Hoài Nam
TS Lương Hoài Nam 

Bên cạnh đó, TS Lương Hoài Nam đã gửi đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo với chương trình giáo dục phổ thông mới gồm 6 điểm.

TS Nam đề nghị cần đảm bảo tính tương thích cao nhất và hiện thực hóa việc phân luồng giáo dục, đào tạo phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế và phân loại giáo dục của UNESCO (phiên bản năm 2011); Đảm bảo tính tương thích, liên thông cao nhất với các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới (Anh, Mỹ, Canada, Phần Lan, Đức, Úc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...).

Video: Diện mạo Chính phủ mới

(Nguồn VTV)

Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc ở cả 3 cấp học, từ Trung học phổ thông dạy một số môn tự nhiên và xã hội trực tiếp bằng tiếng Anh. Từ Trung học cơ sở, học sinh được phép học thêm ngoại ngữ 2 theo nguyện vọng cá nhân.

Bộ cũng cần có lộ trình từng bước phân cấp quản lý giáo dục theo hướng: (a) Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định Chuẩn kiến thức, kỹ năng cho các cấp học và Chương trình giáo dục tham khảo; (b) các địa phương có điều kiện (ví dụ Hà Nội, TP.HCM) có quyền xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục riêng cho địa phương mình; (c) nhà trường quyết định phương pháp giảng dạy các môn học (bao gồm cả quyền chọn sách giáo khoa)...
PGS Trần Xuân Nhĩ
PGS Trần Xuân Nhĩ 

Gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ mong Bộ trưởng mới, những vấn đề cơ bản để đổi mới giáo dục cần tiếp thu.

Trước hết cần quan tâm tới một Hệ thống giáo dục quốc dân, vì lâu nay chúng ta cũng đã bàn nhiều tới hệ thống, cũng đã chỉ ra những hệ thống nào là không liên thông, nếu không liên thông mà giải quyết chỗ này, chỗ kia chỉ là cục bộ mà thôi.

“Bộ trưởng mới phải xác định rõ là hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non tới đại học, sau đại học thì nên tổ chức như thế nào. Khi có một hệ thống rồi thì sau đó là quản lí hệ thống đó như thế nào? Vì lâu nay quản lí hệ thống chúng ta hơi chắp vá.

Nhưng muốn làm được việc gì phải thấy được sự quản lí thống nhất. Khi quản lí thống nhất thì học sinh học học hết phổ thông, tổ chức hệ thống phổ thông như thế nào, hết THCS thì phân luồng.

Luồng nào lên cộng với hệ thống được quản lí tốt rõ ràng giáo dục sẽ tiến triển” ông Nhĩ nói.

Đại học Việt không nằm ngoài xu hướng thế giới


Trong khi đó, đối với bậc giáo dục đại học, nhiều chuyên gia bày tỏ mong muốn tân Bộ trưởng sẽ có chính sách đúng đắn để có thể thu hẹp khoảng cách của giáo dục đại học Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, để sớm có thể hòa nhập với môi trường giáo dục đại học của thế giới, giáo dục đại học ở Việt Nam cần quốc tế hóa mạnh mẽ hơn nữa.


Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn Bộ GD-ĐT ngay tại hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục ĐH công lập

Để làm được những điều này, giáo dục Việt Nam cần phải chú trọng đến việc kiểm định chất lượng đầu ra, từ đó có thể phân tầng được các trường đại học.

Một khi, việc kiểm soát chất lượng đầu ra được chú trọng thì thực trạng hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ ra trường sẽ không còn nỗi lo thất nghiệp như vừa qua.
TS Lê Trường Tùng
TS Lê Trường Tùng 

Gửi góp ý đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT – ĐH FPT) cho rằng có nhiều mô hình về hệ thống giáo dục đại học tốt của một quốc gia. Vì vậy, Việt nam theo mô hình nào thì bộ trưởng phải cân nhắc.

“Tuy nhiên bài học thế giới đã chỉ ra rằng, một quốc gia nếu không đủ ngân sách để đầu tư được thích đáng mà lại quản lý chặt thì chắc chắn sẽ dẫn đến một hệ thống giáo dục đại học tồi tệ”, ông Tùng nói.

Có rất nhiều việc cần ưu tiên thực hiện, thời gian một nhiệm kỳ 5 năm lại là quá ngắn với sự nghiệp trăm năm trồng người, bức tranh giáo dục Việt nam thì mảng sáng có nhiều nhưng mảng tối cũng không ít.

“ Việc đầu tiên của Bộ trưởng là sẽ ngay lập tức đối đầu với vô vàn kỳ vọng của dân chúng”, TS Lê Trường Tùng nói.

Ông Tùng cũng cho rằng với những kinh nghiệm quản lý dày dặn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có thể làm được và có cơ sở để làm tốt việc phát triển giáo dục đại học.


Phạm Thịnh (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn