• Zalo

'Vua' lồng tiếng Huy Hồ: Kỳ tài, một lúc khoe 5 giọng

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 04/06/2013 01:40:00 +07:00Google News

(VTC News) - Là diễn viên lồng tiếng chuyên trị các vai ông già, người lớn tuổi, đặc biệt vai thái giám, Huy Hồ quá trẻ so với tuổi thật của mình.

(VTC News) - Là diễn viên lồng tiếng chuyên trị các vai ông già, người lớn tuổi, đặc biệt vai thái giám, Huy Hồ quá trẻ so với tuổi thật của mình, ngoài đời trông anh dễ gần, chân tình, giản dị và đặc biệt hay… cười duyên.

Để có cuộc gặp gỡ với diễn viên lồng tiếng Huy Hồ, phóng viên VTC News đã nhiều lần "mai phục" tận công ty anh làm việc để được “cận cảnh” anh nhưng không thể.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin anh được cái hẹn cụ thể, sau này mới biết không phải vì anh chảnh hay không muốn chia sẻ tâm sự nghề nghiệp đến độc giả mà vì thời gian của anh dường như khép kín, dày đặc show lồng tiếng, đọc thuyết minh. Lịch trình của anh, sáng mở mắt vô phòng thu, 22 giờ tối trở về nhà, dò phim, ngủ. Sáng mai lại tiếp tục công việc cũ.

Với chất giọng khá đặc biệt, khác lạ của Huy Hồ, giọng thổ, trầm ấm, truyền cảm, chuyên đặc trị dạng vai ông già, người lớn tuổi, thái giám... anh đã tham gia vào nhóm lồng tiếng Sanyan nổi tiếng đình đám một thời để phát huy sở trường của mình.

Có thể không ngoa cho rằng chất giọng của anh sánh vai "ngang ngửa" với các giọng lồng kỳ cựu như Thế Thanh, Nguyễn Vinh, Bích Ngọc, Thanh Huyền, Thanh Phúc, Thế Phương...
Gần đây nhất, những phim bộ Hồng Kông TVB được chiếu trên sóng VTV9, SCTV9... như Đắc Kỷ Trụ Vương, Kỳ Án Nhà Thanh, Sức Mạnh Tình Thâm,  Cảnh Sát Tài Ba, Đại Chiến Mì Gia... độc giả dễ dàng nhận ra giọng lồng những vai người già, lớn tuổi, thái giám đó chính là giọng của diễn viên Huy Hồ.
- Từ trước giờ khán giả chỉ biết anh qua các giọng lồng người già, thái giám?
(Cười) Dường như đúng vậy! Bởi chất giọng của mình từ trước giờ đã xác định phù hợp với loại vai diễn đó. Tuy nhiên, nếu khán giả để ý nghe thì cũng phát hiện ra mình lồng vai nam trẻ trong phim "Danh gia vọng tộc" phát sóng trên HTV7.

Đây là vai diễn trẻ kép chính Mã Quốc Minh, hay nhiều vai diễn khác như vai Tất Thanh trong phim Tế Công...Nói về phim Tế Công thì mình lồng hai vai Trụ trì và Tất Thanh thời điểm đó đi đâu ai cũng gọi thân mật với tên nhân vật mình lồng tiếng là Tất Thanh.
- Có khi nào một mình anh lồng cùng lúc nhiều vai, nhiều vai này lại cùng lúc nói cùng một đoạn thoại?
Cái này trong nghề lồng tiếng gọi là "đụng vai", nghĩa là một mình lồng nhiều vai trong phim, thế nhưng lại có lúc trong phim xuất hiện cùng lúc nhiều vai lại do một mình đảm trách nói cùng một lúc. Trước giờ mình đảm nhận 2-3 giọng trong một phim là thấy oải rồi nhưng có lúc mình gánh đến 5 vai cùng lúc.

Nhớ lại bộ phim "Thiếu niên tứ đại danh bộ" khi nhận được kịch bản cầm trên tay, mình đánh dấu theo màu, mỗi màu là mỗi vai. Khi thấy màu nào là mình tự động chuyển giọng cho phù hợp với vai diễn ấy. Đang đọc thoại ngon trớn, bỗng tới đoạn thấy toàn màu mình thoại từ đầu trang đến cuối trang 5 màu (tượng trưng 5 vai diễn khác nhau), đây là đoạn phim miêu tả cảnh đại hội võ lâm, nên xuất hiện hết 5 người, lúc này mình chỉ biết cười huề.

Tất nhiên, mọi chuyện đâu cũng vào đấy, mình lồng vi tính thu từng vai ghép lồng lên nhau từ vai già, trẻ, thanh niên, ấu thơ hay có lúc nhờ đồng nghiệp chia sẻ vai, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt “dàn đồng ca” cùng lúc này. 
- Nếu có cùng lúc nhiều vai thì anh ưu tiên chọn vai nào?
 

Trước giờ mình đảm nhận 2-3 giọng trong một phim là thấy oải rồi nhưng có lúc mình gánh đến 5 vai cùng lúc.
 
Các bạn đang xem phim Thuật Tiên Tri chiếu trên SCTV9 thì phim này Huy Hồ lồng cũng nhiều vai. Nhưng nếu nói về việc chọn vai thì điều trước tiên khi nhận vai lồng thì mình phải nhận bạn diễn là ai, người đó có phải là diễn viên mình lồng từ trước đến giờ không, riết rồi thành thói quen, những người nào đã lồng rồi là bạn của mình.

Nếu có dàn diễn viên chính 4 người, thì mình tự chọn lồng tiếng cho vai diễn nào mình ưng ý nhất, còn lại những người khác chia cho đồng nghiệp. Nói chung, trong phim có bao nhiêu vai thì nhóm tự chia ra, lồng cho phù hợp với chất giọng, khả năng của mình, hỗ trợ, nâng đỡ, dìu nhau trong lúc diễn xuất.

- Lồng tiếng cho phim Việt Nam, anh thấy thế nào? 

Mình tốt nghiệp khóa lồng tiếng năm 1980, là khóa đầu tiên của trường. Thời đó, hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, lớp trưởng là anh Tường Phương, bây giờ là đạo diễn Tường Phương. Nói về làm phim Việt Nam mà kịch bản, lời thoại của một vài đạo diễn như Tường Phương, Phương Nam thì mình dễ làm làm, dễ lồng tiếng.

Với Huy Hồ, một khi mình đã có kinh nghiệm lồng tiếng phim bộ thì khi chuyển qua lồng cho phim Việt Nam rất dễ dàng, thuận lợi, không mấy khó khăn.

Chỉ có điều có những kịch bản, diễn viên Việt Nam đóng vai chưa đạt, lời thoại không thuộc thì lúc này diễn viên lồng tiếng hơi vất vả. Chẳng hạn, từ trước giờ diễn viên kỳ cựu Nguyễn Hậu luôn mong muốn Huy Hồ lồng vai cho ảnh, phải nói là như hình với bóng, máu thịt nhưng cũng có những lúc lồng trầy trật, tới lui do diễn viên không thuộc lời thoại.

Cũng vì có thâm niên trong nghề nên các đạo diễn ưu ái thường cho dành “xương” nhiều hơn "thịt" cho thế hệ Huy Hồ, tức là hay đẩy vai khó qua tụi này (cười).
- Anh nhận xét thế nào về lớp thế hệ diễn viên lồng tiếng sau này?
Theo thời gian, cũng như nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khán thính giả, ngày càng ra lò nhiều lớp, nhóm diễn viên lồng tiếng. Trong đó các bạn trẻ cũng muốn thử sức ở lĩnh vực lồng phim bộ.

Theo mình nhận xét, phần nhiều các bạn trẻ do chưa có kinh nghiệm, còn non mặt nghiệp vụ nên có khi lồng tiếng chỉ đọc từ ngữ vào miệng, chứ chưa thể hiện được cảm xúc thật nên khi khán giả xem đoạn phim đó chưa thấy cảm động, rung động theo tình huống, nhân vật trong phim nên phải nói rằng các em “diễn” nhiều khi chưa tới, giống như trái cây chưa chín, trong khi thời hiện đại các bạn trẻ có điều kiện nhưng lại ít chịu học hỏi như thế hệ đi trước.
 Diễn viên lồng tiếng Huy Hồ trò chuyện cùng PV VTC News. Ảnh: Hạnh Phương
- Anh tham gia nhóm lồng tiếng Sanyan khi nào?
Thập niên 1990, Huy Hồ chưa tham gia nhóm lồng tiếng Sanyan trong những phim cổ trang thời kỳ đầu, lúc này mình đang làm việc cho một công ty Đài Loan chuyên lồng tiếng cho các phim nhập sang Việt Nam như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, kể cả phim Mỹ. Sau này mới có cơ hội chuyển qua và gắn bó Sanyan cho đến tận hôm nay.

- Theo anh bộ phim hay nhờ đâu?
Nói về phim bộ Hồng Kông TVB, đầu tiên phim phải có nội dung tốt, dàn diễn viên được nhiều người quan tâm, khán giả ưa thích, đến người dịch lời thoại, người dịch giống như là diễn viên, người dịch đúng, bản phim tốt, cả hai cộng lại đẩy cảm xúc diễn viên lồng tiếng lên, khiến bộ phim đẩy lên một cấp.

Nhiều khi lời văn dịch ra viết đủ từ nhưng câu văn không trơn, đọc lên thấy sượng, nếu là dân lồng tiếng kinh nghiệm lâu năm là phải biết dừng lại, sửa lỗi nhưng các bạn trẻ bây giờ có những từ ngữ hơi xưa xưa thì không hiểu nên đọc cho có đọc, mà như thế thì không biết diễn xuất như thế nào.

Nếu đọc để người khác nghe chỉ có hiểu nghĩa câu đó thì chưa tới mà còn phải khiến người xem rung động đến từng vai diễn của mình lồng. 

Chẳng hạn, khi nhóm lồng phim Sức Mạnh Tình Thâm, phải nói rằng nhờ phim có nội dung tốt, diễn viên màn ảnh diễn xuất đạt nên cả ê-kíp lồng tiếng thăng hoa theo vai diễn, nhập vai diễn mà không diễn, xúc động theo giọng nói.

Hầu hết người xem phim này xem đi, xem lại nhiều lần vẫn không thấy chán. 
Phim này mình lồng vai ông ngoại và 3 vai khác nữa, có lúc trong nhà 4 người cãi lộn nhau ì xèo mà do một mình mình lồng, thấy cũng vui (cười).

- Nghe nói có thời gian anh dẫn chương trình cho sân khấu Rex? 
Khoảng thời gian từ năm 1990 - 1991, lúc này Huy Hồ đi đọc thuyết minh phim cùng thời diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh (đã mất), diễn viên kịch nói Quốc Thảo. Cơ duyên đến, khi ban nhạc Ngọc Lễ - Phương Thảo không còn làm tại khách sạn Rex, nên có người quản lý mới vào tiếp quản, đó là diễn viên Nguyễn Hà (tên gọi khác Hà Mập, hiện tại làm quản lý game show).

Mình được mời tham gia với tư cách người dẫn chương trình đứng cùng với MC Phương Thảo (đã mất), lúc đó mình có lợi thế là đọc thuyết minh nên cũng vào vai dẫn dễ dàng. Ông quản lý thời đó có hạn chế là khi chị Phương Thảo đến trễ thì không dám mở màn. 
Thời đó máy điện thoại ít, chỉ có máy nhắn tin báo rằng chị Thảo bận việc chưa đến kịp, vào thế bí nên mình mới mạnh dạn đi đến quyết định nếu thấy trễ quá 5 phút thì tự mình gánh lấy vai trò dẫn chương trình, bởi không để khán giả ngồi chờ đợi lâu được, làm vậy mất khách hết.

Nghĩ cũng lạ, mới đầu dự kiến mình chỉ làm trong 5 ngày của cái Tết nguyên đán đó thôi, bởi chưa có kinh nghiệm lại không phải nghề tay phải của mình nhưng không ngờ sau đó mình làm kéo dài được 5 năm (cười).

Làm chương trình sân khấu, phải tính đúng thời gian, sắp xếp sao cho phù hợp, nếu tăng thời gian sân khấu mà không có người diễn là chết đứng, nhiều khi một mình phải biết hát để lấp chỗ trống khi không có ca sĩ còn không biết thì cũng chết, quy định mỗi bài hát bao nhiêu phút, không thì lố giờ sân khấu, nên cần phải có kinh nghiệm nhiều mới đảm đương được công việc. 
- Anh có diễn kịch vai nào trên sân khấu, trước đông khán giả?
Mình cảm giác đóng kịch không khó đối với mình, hồi còn cơ quan mình có diễn trên hội trường văn nghệ quần chúng, nhưng chưa diễn vai nào trên sân khấu lớn. Trong live show Kim Cương, một số diễn viên diễn kịch bằng lời đọc của mình bên trong sân khấu.

- Ngoài lồng tiếng, anh còn làm công việc gì?
Lồng tiếng và đọc thuyết minh phim truyện, phim bộ là chính, mình còn đến các thiền viện, chùa để thu âm về kinh Phật pháp như sách nói Diệu Pháp Âm, phim tư liệu, dẫn chuyện, dẫn đọc. Nhiều lúc mình đi qua các chùa khác có nơi bên ngoài không ai biết mặt nhưng nói chuyện một lát thì các vị, sư, thầy... ở đây nhận ra giọng, phát hiện ra mình nên cũng quan tâm đến nhiều.
Cho đến hiện tại, tôi vẫn một mình đi sớm về khuya. Điều tôi luôn mong muốn là dồn hết tâm trí, sức lực trong từng vai diễn lồng tiếng, đọc lời bình, thuyết minh, đọc sách nói về kinh sách Phật giáo... nhằm mang đến độc giả, người hâm mộ, quý phật tử những tiếng nói tự đáy lòng của nghệ sĩ lồng tiếng thông qua từng vai diễn của diễn viên trên màn ảnh, của những lời răn dạy Phật pháp qua từng câu kinh tiếng kệ.
Tên thật: Bùi Huy Hồ
Sinh ngày: 20/12

Đã tốt nghiệp khoá Diễn viên lồng tiếng phim năm 1987 do Trung tâm Điện ảnh và Băng từ TP tổ chức, cùng khóa với Trung Châu, Huỳnh Hoa, Khánh Phương, Ý Nhi, Hà Thao, Thanh Bình, và Tuyết Mai.

Bắt đầu tham gia lồng tiếng cho phim của hãng TVB (Hồng Kông), sau đó chuyển qua San Yang (Đài Loan) và Yaway.

2003 đến nay: lồng tiếng cho phim của hãng TVB

Một số diễn viên đã lồng:

    Hạ Vũ (Sức mạnh tình thân)
    Trịnh Gia Dĩnh (30 ngày điều tra)
    Âu Cẩm Đường (Nhân chứng)
    Hứa Thiệu Hùng (Mất tích bí ẩn, Chuyện về chàng Vượng)
    Tăng Vỹ Quyền (Chuyện về chàng Vượng)
    Tô Chí Uy (Trói buộc)
    Lê Diệu Tường (Người phát ngôn giỏi luật)
    Mã Quốc Minh (Đường đến thiên đàng, Duyên tình Tây Sương, Đáng mặt nữ nhi)
    Quách Chính Hồng (Song long đại đường, Đội điều tra đặc biệt)
    Trần Quốc Bang (Phúc Vũ và Phiên Vân)
    Khương Đại Vệ (Bố Y thần tướng)
    Lưu Vệ Hoa (Du kiếm giang hồ)
    Nguyên Hoa (Người đàn ông gan dạ)
    Đặng Tử Phong (Đột phá cuối cùng)
    Lưu Gia Huy (Tiệm bánh Gateaux)
    Lưu Tùng Nhân (Nỗi khổ đàn ông)
    Thạch Tu (Bảo hiểm tình yêu, Loạn thế giai nhân)
    Vương Kiệt (Bà nhà tôi)
Kỳ tới: Huy Hồ tiếp tục trải lòng với độc giả về nghề nghiệp của anh và những trăn trở của nghề "giấu mặt".
Phan Cường (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn