Sau sự cố vỡ đê Bùi 2 ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội vào sáng 12/10, theo ghi nhận của phóng viên tại thực địa, cho đến thời điểm này, nước lũ vẫn chưa rút, đoạn đê vỡ hàn vá lại trước đó đã được khơi thông để nước trong đê chảy ngược ra ngoài.
Một câu hỏi được người dân đặt ra lúc này là đê Bùi 2 vỡ nguyên nhân do đâu? Do lũ lớn hay chất lượng tuyến đê này có vấn đề? Theo nhiều chuyên gia thì người dân có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi vì tuyến đê này mới được xây dựng, nâng cấp. Khó có thể dễ dàng vỡ ngay trong đợt lũ đầu tiên được.
Ngay sau khi đê vỡ 1 ngày thì lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ đã điều 2 máy xúc cùng hàng trăm mét khối đá hộc, cọc gỗ, dọ sắt…cùng nhân công đến vá lại. Hàng chục công nhân ngày đêm lèn đá cứu đê. Không chỉ vá chỗ bị vỡ mà những đoạn đê xung yếu quanh khu vực vỡ cũng được gia cố thêm nhiều cọc gỗ, và kè đá.
Như vậy sau 1 tuần thì tuyến đê Bùi 2 đã được vá lại, nước cũng đã bắt đầu rút, tuy nhiên tuyến đê này vẫn đang trong trạng thái rất nguy hiểm khi mà chân đê đã bị bào mòn.
Anh Bạch Văn Phong, một người dân có khu trang trại ngay sát chân đê cho biết: sau 1 tuần ngập trong lũ, chân đê này giờ rất yếu. Dọc tuyến đê gần 2km đã bị nước làm xói mòn, tạo thành “hàm ếch” sâu hơn 1 m trong chân đê.
Tuyến đê này vỡ là điều khó tránh khỏi vì trong quá trình thi công người dân nhận thấy đơn vị thi công làm tuyến đê này không tốt, khi thân đê không được lu lèn chặt trước khi đổ bê tông lên mặt đê.
“Ngày nào cũng phải đi lại trên đê để đi làm, tôi thấy việc thi công rất là ẩu, cứ đổ đất vào, không có lu lèn gì, chỉ cào đất ra bắt đầu xe chạy, sau đó đổ bê tông lên. Tôi nghĩ chắc là do sức ép về thời gian, phải xong trước bão lũ hay sao đó mà thi công rất ẩu. Chất lượng qua trận lụt này là biết. Nếu bây giờ xem thì bên trong thân đê bị “hàm ếch” hết. Tôi nghĩ sẽ không đảm bảo về sau này nữa”, anh Phong nhìn nhận.
Còn anh Nguyễn Văn Đề (thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ), người bị thiệt hại khá nặng trong đợt ngập lụt, vỡ đê Bùi 2 này cho rằng, nguyên nhân một phần do người dân quá chủ quan với con đê vừa được nâng cấp, sửa chữa, kiên cố bằng bê tông như thế này.
Năm 2008 cũng đã bị vỡ 1 lần rồi, nhưng năm nay đê làm mới, đổ bê tông như thế này thì ai nghĩ nó bị vỡ nhanh đến thế. Cần phải xem lại chất lượng thi công tuyến đê này mới được.
“Nói chung là không được tốt như mọi người nói, trong đó là kỹ thuật lu lèn không được chuẩn, kém. Cho nên chất lượng đê vỡ ngay trong cơn lũ vừa qua là phải xem lại”, anh Đề nói.
Đơn vị phòng chống lụt bão của huyện Chương Mỹ cũng khẳng định: đê vỡ là do khi lũ về nước bào mòn chân đê, sau đó phần bê tông ở trên bị đánh sập. Nước chảy tràn qua gây xói lở và dẫn đến vỡ đê.
“Đê vỡ như vậy rồi thì phải đợi sau khi nước rút hết mới có thể hàn vá lại, vì là đê mới nên phải tiếp tục hàn lại theo như thiết kế ban đầu, không có cách nào khác”, ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng phòng Kinh tế, huyện Chương Mỹ cho hay.
Được biết, nhà thầu thi công gói thầu đoạn đê Bùi 3 này là Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư và Xây dựng Hùng Linh. Đơn vị này trúng thầu gói thầu số 9, thi công đê chính Bùi đoạn 3, đê bao Bùi đoạn 3, thuộc Dự án tu bổ, nâng cấp đê Hữu Bùi, gói thầu này có tổng trị giá là hơn 19 tỷ đồng.
Việc đê Bùi 2 “tan chảy”, “vỡ theo kế hoạch” trong cơn lũ đầu mùa cũng là điều tất yếu. Bởi mặt đê kiên cố bằng bê tông dày 20cm, nhưng thân đê lại bằng đất nên khi nước lũ vượt ngưỡng tràn qua đê dẫn đến vỡ đê. Điều này là tuyệt đối cấm trong làm đê, đập nói chung thế nhưng phương án để tràn qua đê đất vẫn được các cấp ngành của Hà Nội phê duyệt.
Chỉ có người dân và tài sản vật nuôi là không biết điều này. Họ đã trắng tay sau cơn lũ.
Video: Đoạn đê 'vỡ theo kế hoạch' của Hà Nội giờ ra sao?
Bình luận