(VTC News) – Được chứng nhận đạt tiêu chí trang trại, 8 hộ dân ở Phổ Quang, Đức Phổ (Quảng Ngãi) yên tâm dốc công sức, tiền của đầu tư nuôi tôm xuất khẩu. Bất ngờ 3 năm sau, chính quyền địa phương thông báo đình chỉ sản xuất, sau đó san bằng hồ tôm, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh lầm than, nợ nần chồng chất.
Báo điện tử VTC News vừa nhận được phản ánh của 8 chủ trang trại nuôi tôm thịt xuất khẩu ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), về việc họ bị chính quyền địa phương lấy trắng hồ tôm gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ từ năm 2007 đến nay nhưng vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm.
Trang trại nuôi tôm của 8 hộ đã bị UBND xã Phổ Quang san bằng
Theo tìm hiểu của phóng viên, các hồ tôm này hình thành từ năm 1987, khi UBND tỉnh Nghĩa Bình cũ cho phép UBND xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ) tổ chức khai hoang diện tích 10ha ruộng đất hoang hóa để nuôi trồng thủy sản xuất khẩu tại điểm kinh tế mới Đầm Bàu, thôn Hải Tân.
Xã đứng ra kêu gọi đóng góp sức lao động và đóng góp cổ phần (mỗi cổ phần 1,2 lượng vàng), sau đó lập đề án về chương trình hợp tác đầu tư nuôi trồng thủy sản xuất khẩu này đã được Đảng ủy, UBND xã và các cổ phần góp vốn thống nhất thông qua, trong đó có ghi thời gian hợp tác nuôi là 10 năm (từ 1989 - 1999) và “có thể kéo dài tùy tình hình diễn biến của xã hội”.
Đến năm 1997, theo yêu cầu của các cổ phần là phân chia hồ để có điều kiện đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất nên đã thống nhất chia thành 11 hồ với tổng diện tích là 60.262m2 (UBND xã Phổ Quang được 1 hồ). Sau khi chia hồ phần ai nấy làm, UBND xã bán đấu giá cho dân.
Giấy chứng nhận đạt tiêu chí trang trại của một hộ dân
Đến cuối năm 2004, khi được UBND huyện Đức Phổ cấp Giấy Chứng nhận đạt tiêu chí trang trại và đồng ý kiến nghị huyện cấp “sổ đỏ”, các hộ dân yên tâmdốc công sức, tiền của đầu tư nuôi tôm xuất khẩu.
Tuy nhiên, chỉ vừa sản xuất được 2 vụ đến đầu năm 2007, các chủ trang trại bàng hoàng khi UBND xã Phổ Quang mời lên thông báo miệng là đình chỉ sản xuất để thu hồi hồ vì đã hết hạn.
Không đồng tình, các hộ làm đơn gửi đến huyện đề nghị xem xét lại chủ trương của xã, huyện trước đây để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ nhưng ngày 5/9/2007 UBND huyện Đức Phổ ra quyết định trả lời kiến nghị của họ là không có cơ sở.
Trong khi người dân tiếp tục yêu cầu các cấp thẩm quyền xem xét thì UBND xã Phổ Quang dựa vào “bảo bối” là quyết định của huyện Đức Phổ, thông báo không cho các hộ dân tiếp tục sản xuất rồi huy động lực lượng san bằng hồ tôm, vật kiến trúc và tài sản tại trang trại của các hộ dân gây thiệt hại rất lớn.
Trao đổi với phóng viên VTC News về vụ việc này, ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã giao Sở TN&MT tham chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý ngay trong tháng 10/2012.
Luật sư Trương Quang Tín (Trưởng Văn phòng Luật sư Quang Tín, Đoàn Luật sư Quảng Ngãi), nhận định, khi người dân gửi đơn yêu cầu huyện xem xét lại chủ trương thì chưa phát sinh quyết định hành chính hay hành vi hành chính nào của xã, huyện nên việc UBND huyện Đức Phổ ra quyết định giải quyết khiếu nại là không có cơ sở.
|
Nghĩa Bình
Bình luận