Sáng 7/3, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà tiếp diễn với phần luật sư hỏi.
Trả lời trước HĐXX, ông Nguyễn Văn Tuân (cựu thành viên HĐQT Tổng công ty Vinaconex) cho biết, công ty có nhiều chức năng bao gồm: chức năng đầu tư xây dựng các công trình cấp nước. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổng công ty chào mời các nhà thầu chuyển giao thiết bị công nghệ.
Theo ông Tuân, vật tư ngành nước hoàn toàn nhập khẩu, Vinaconex nghiên cứu rất cẩn thận. Về vật liệu ống cốt sợi thủy tinh, ông Tuân nhận định đây là vật liệu mới, công nghệ mới nên khi làm rất khó.
"Tuy nhiên, những bị cáo ngồi đây đều là đồng nghiệp với tâm huyết hoàn thành dự án cấp nước cho dân. Vì vậy, xin tòa xét cho các bị cáo khác về trách nhiệm trong vụ án này", ông Tuân nói.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Đỗ Đình Trì (cựu cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; cựu Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội) trình bày, bị cáo đã có 26 năm làm việc trong ngành cấp thoát nước, tham gia nhiều công trình cấp thoát nước Hà Nội.
Bị cáo Trì cũng tham gia vào dự án với vai trò giám sát, việc tư vấn giám sát tuân thủ đúng Luật Xây dựng lúc bấy giờ.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Biên Hùng (cựu cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, cựu Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội) cho biết, trong quá trình làm việc không giữ chức vụ gì quan trọng, chỉ làm kỹ sư và không tham gia vào ban lãnh đạo của công ty.
Với vai trò là kỹ sư giám sát trong dự án này, bị cáo Hùng khẳng định khi phát hiện ra lỗi của các ống, bị cáo đã tuân theo hướng dẫn của BQL, của bên thiết kế.
Với địa điểm giám sát, với những lỗi có thể quan sát được bằng mắt thường, bị cáo Hùng khẳng định đều báo cáo lại với BQL và nhà thầu.
Vì vậy, bị cáo Hùng cho rằng bản thân không có tội khi mọi công việc đều tuân thủ theo hợp đồng, theo Luật Xây dựng và đúng pháp luật.
Video: Vỡ đường ống nước sông Đà do dùng ống nước "khuyết tật"
Bình luận