• Zalo

Vụ Vinashin: “Tiền không phải trên trời rơi xuống”

Pháp luậtThứ Sáu, 30/03/2012 02:28:00 +07:00Google News

"Chừng nào chưa hoàn vốn thì còn thiệt hại do phát sinh lãi. Lãi mẹ còn đẻ lãi con, thậm chí lãi cháu, chắt..."

Đau xót vì thiệt hại quá lớn trong vụ Vinashin, Viện Kiểm sát cho rằng: “Chừng nào chưa hoàn vốn thì còn thiệt hại do phát sinh lãi. Lãi mẹ còn đẻ lãi con, thậm chí lãi cháu, chắt. Các bị cáo là lãnh đạo, quan chức Nhà nước thì phải lường trước hết mọi hậu quả có thể xảy ra”.

Ngày 30-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bước sang ngày thứ tư.

Sau phần tranh tụng của các luật sư cũng như diễn biến tại tòa, Hội đồng xet xử (HĐXX) đã hỏi đại diện của nguyên đơn dân sự, là điện của Tập đoàn Vinashin, Các công ty: Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC), Viễn Dương, Cái Lân, Nam Triệu, Cửu Long… Bày tỏ ý kiến, đại diện các công ty không có ý kiến gì, đều cho biết, chờ phán quyết quả tòa theo quy định của pháp luật.

 

Đại diện của công ty Cửu Long thì nói: “Chúng tôi mong đợi sự trở về của ông Dương để giải quyết nhiều dự án đang còn dang dở”. Còn đại diện của VFC đề nghị các khách hàng vẫn trả nợ cho công ty và xem xét giảm tội cho đồng nghiệp.

Đến 8 giờ 45, đại diện Viện kiểm sát nhân dân đã bắt đầu đối đáp với các luật sư. Với giọng chậm rãi song quả quyết, vị này đã dành 1 giờ đồng hồ để phân tích thấu đáo các vấn đề.

 “Tại phiên tòa hôm nay, TAND triệu tập các nguyên đơn dân sự dù tất cả đều không có đơn. Các nguyên đơn theo danh sách triệu tập còn chưa đến đủ, sau đó tòa phải triệu tập tiếp, đã tương đối đủ các thành phần. Chúng tôi cũng thấy rất buồn, nhiều nguyên đơn dân sự đến cũng không nắm được có lợi hay không có lợi, số nợ bao nhiêu cũng không nắm. Đây là vấn đề cần xem xét lại” – vị đại diện Viện Kiểm sát nói.

Vị đại diện Viện Kiểm sát cũng thẳng thắn phân tích: “Tiền trong các dự án này không phải ở trên trời rơi xuống. Từ nguồn của VFC cũng là tiền của Vinashin, là tiền của Nhà nước. Tất cả các món vay đều là tài sản của tập đoàn, trừ những khoản đóng góp riêng của các DN cổ phần. Các nguyên đơn đòi tiền là đòi tài sản cho Nhà nước. Nhưng mọi người nghĩ, đòi cho Nhà nước thì mình có bận gì mà phải đòi”.

“Viện Kiểm sát sẽ có ý kiến, kiến nghị Chính phủ xem xét lại cách quản lý tài sản của Nhà nước đối với các DN, nhất là các DN cổ phần. Đây là tài sản của Nhà nước, đương nhiên tòa sẽ đòi lại cho Nhà nước”, đại diện Viện Kiểm sát tiếp lời.

Liên quan đến việc các luật sư kiến nghị 2 công văn của Văn phòng chính phủ có phải là văn bản quy phạm pháp luật nên cần xem xét lại hành động cố ý làm trái của bị cáo Phạm Thanh Bình, Viện Kiểm sát trả lời rằng, các bị cáo bị truy tố về vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế chứ không phải về hành vi vi phạm văn bản pháp luật. Các tập đoàn được ra những văn bản, quyết định nhưng không được trái với quy định của Nhà nước.

“Bị cáo Bình nếu có thẩm quyền đóng hay mua, nếu quyết định được thì cần gì phải xin phép? Chính vì không được phép nên mới có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Không có chuyện “hiểu sai” văn bản của Thủ tướng hay hiểu nhầm ở đây”, đại diện Viện Kiểm sát phân tích.

Dự án tàu Hoa Sen là dự án hoàn toàn trái với luật pháp, chủ trương của Nhà nước. Bản thân dự án này không được đưa ra bàn trong HĐQT. Ngay cả bị cáo cũng khai rằng, nếu đưa ra trước HĐQT thì có thể không được thông qua. Như vậy, dự án tàu Hoa Sen là ý chí của bị cáo chứ không phải chủ trương của Tập đoàn và trái với chủ trương của Chính phủ, trái với Luật pháp.

Viện Kiểm sát cũng dành thời gian phân tích về thiệt hại trong vụ án này. Kết luận giám định tất cả các dự án đều dựa trên kết quả giám định, điều tra công khai tại phiên tòa. Riêng vụ mua tàu Hoa Sen, hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước đầu tư vào dự án ấy, thiệt hại bao nhiêu thì các bị cáo phải chịu bấy nhiêu.  

Dự án nhiệt điện sông Hồng cũng là dự án trái luật. Công ty Hoàng Anh trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện sông Hồng vay hơn 200 tỉ với mục đích đóng tàu song không đóng tàu mà đầu tư vào nhiệt điện sông Hồng. Công ty đã mất hơn 20 tỉ để giải phóng mặt bằng nên rất khó thu hồi cho Nhà nước. Các máy móc nhập khẩu về có một số giả mạo giấy tờ để đưa về cho nên “số phận của số máy móc này cũng không hay ho gì, rất khó có khả năng thanh toán”.

Dự án Diesel Cái Lân có kế hoạch của HĐQT Vinashin thông qua, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt song trong quá trình đầu tư có các hành vi vi phạm. Đó là khi phê duyệt, máy móc mới 100% , đạt tiêu chuẩn Châu Âu nhưng khi nhập về, các bị cáo nhập về thiết bị cũ từ Trung Quốc. Khi nhà máy chưa lắp đặt xong thì công suất không đạt như yêu cầu nên gây ra lỗi cho DN.

Về vụ Bạch Đằng Giang, con tàu đang của Viễn Dương, Nam Triệu đề nghị cải hóa thì tập đoàn mới giao cho quản lý, sử dụng. Khi bán lại không báo với VFC, vì trong hợp đồng thuế chấp ghi rõ không được cầm cố cho người khác, không được tự ý tháo giỡ. Lãnh đạo Nam Triệu là bị cáo Vũ và lãnh đạo VFC ký.

“Nam Triệu nói chi cho lợi ích cấp thiết của Nam Triệu nhưng Tập đoàn có lợi ích không, tập đoàn cũng có cấp thiết không? Rõ ràng là có. Lo lợi ích cho DN là tốt, nhưng bên trên lợi ích của DN là lợi ích của tập đoàn. Mẹ mà hết sữa thì con cũng đói”, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định.

Kết luận lại về các khoản thiệt hại cho Nhà nước trong vụ này, đại diện Viện Kiểm sát nói: “Tất cả các khoản vay đều có lộ trình trả song các công ty đều chưa trả được đồng nào cho tập đoàn. Nếu tất cả các đơn vị làm ăn nghiêm chỉnh, vay về đầu tư đúng, không mất khả năng thanh toán thì đâu có chuyện Vinashin bị như hiện nay? Chừng nào chưa hoàn vốn thì còn thiệt hại do phát sinh lãi. Lãi mẹ còn đẻ lãi con, thậm chí lãi cháu, chắt. Các bị cáo là lãnh đạo, quan chức Nhà nước thì phải lường trước hết mọi hậu quả có thể xảy ra với DN, tập đoàn của mình”.

Theo NLĐ

Bình luận
vtcnews.vn