Trong giờ giải lao ngày làm việc thứ 2 (22/5) của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm đã dành thời gian trao đổi với báo chí xung quanh những vụ việc liên quan đến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Ảnh: Internet) |
“Vì thế, từ những khuyết điểm trong việc phát triển mô hình tập đoàn, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm” – ông Kiêm nói.
Theo ông Kiêm, cần phải tái cấu trúc lại các tập đoàn, để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở các nguyên tắc: luật hệ, tiêu chí tập đoàn nó phải hoàn thiện trong đó cả về vốn, công nghệ minh bạch; phải có đội ngũ quản trị tốt; các đơn vị gắn kết phát triển tập đoàn phải trên cơ sở hữu cơ, đòi hỏi của sản xuất, chứ không phải là cảm tính; phải có hệ thống kiểm toán, hạch toán, kỷ luật, kỷ cương tốt.
- Theo ông, những khiếm khuyết, tồn tại nêu trên của các tập đoàn phải chăng có lỗi trong khâu quản lý nhà nước?
Chắc chắn là như thế rồi! Có lỗi cả khâu quản lý, nhận thức, quan điểm, quyết định. Khi quan điểm lên tập đoàn như thế nào chưa rõ, "anh" quyết định thành lập tập đoàn thì không theo chuẩn, dẫn đến việc “anh” nghĩ mô hình này rồi bố trí “anh này”, “anh nọ” ngồi vào.
- Ông có thấy trường hợp của Vinashin và Vinalines dường như giống nhau? Phải chăng việc chấn chỉnh tập đoàn thời gian qua chưa tốt?
Việc tổng kết đánh giá các tập đoàn chưa được bài bản, chưa rõ. Hơn nữa, việc tiếp cận, tiếp xúc, đánh giá khác nhau nên các giải pháp đưa ra cũng khác nhau.
Muốn quản lý được “anh” phải nắm rõ được thực trạng của nó. “Anh” tái cơ cấu Vinashin nhưng “anh” lại đẩy cơ số nợ sang cho Vinalines trong khi Vinalines cũng đang khó khăn lắm rồi - chứng tỏ “anh” chưa nắm rõ được thực trạng của các tập đoàn.
Như việc đề bạt ông Dũng (ông Dương Chí Dũng-PV) làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT nói là không nắm được ông Dũng có sai phạm, vậy tại sao “anh” không nắm được mà “anh” cứ đề bạt? - trong khi ông Dũng đang nguy ngập rồi.
Đây là biểu hiện của trình độ quản lý, năng lực quản lý, trách nhiệm quản lý chưa tốt.
- Theo ông thì việc bố trí nhân sự ở đây có vấn đề?
Cái này rõ ràng khâu quản lý khi kiểm tra, giám sát cán bộ không kỹ.
Có lợi ích gì trong đó không, có việc bao che, bảo vệ cho ông Dũng không? - cái này cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ. Nhưng rõ ràng, để cấp dưới có nhiều sai phạm chứng tỏ quản lý ở đây lỏng lẻo, không sát, không sâu.
Cơ chế quản lý lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng thì sẽ có nhiều người lợi dụng. Nếu chấn chỉnh cái này thì chúng ta sẽ hạn chế được các sai phạm.
- Như vậy, cần phải công khai các ứng cử viên được bố trí vào các vị trí lãnh đạo tập đoàn, thưa ông?
Đúng! Chúng ta phải công khai, vì giả sử trong trường hợp công khai việc bổ nhiệm ông Dũng thì rõ ràng người dân, dư luận có cơ chế giám sát phản biện, làm rõ các sai phạm của ông Dũng trong các thời kỳ trước, như thế thì sẽ lọc được ngay các cán bộ không đủ điều kiện.
- Vấn đề này ông có đưa ra trước Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội sắp tới không?
Chắc chắn vấn đề này sẽ được đưa ra. Muốn khắc phục được các tập đoàn thì phải nhìn thẳng vào sự thật.
- Xin cảm ơn ý kiến của ông!
Trần Vũ (ghi)
Bình luận