• Zalo

Vụ trưởng Giáo dục Đại học: 'Trình độ tiến sĩ Việt phải bằng các nước ASEAN'

Giáo dụcThứ Năm, 24/11/2016 17:02:00 +07:00Google News

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho rằng trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cũng phải ngang bằng với tiến sĩ các nước khu vực ASEAN.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với báo chí để làm rõ hơn những điểm mới của dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ.

vu gddh 01-23112016

 Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT

- Bộ GD-ĐT đã làm gì ngay sau cuộc tọa đàm về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam, thưa bà?

Trước hết tôi khẳng định rằng, không phải chờ đến cuộc tọa đàm vừa rồi Bộ GD--ĐT mới làm mà Bộ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ từ trước đó.

Cụ thể, Bộ đã bắt tay vào điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành, đây được coi là hành lang quan trọng nhất trước khi triển khai những bước tiếp theo trong thực tiễn.

Cấu trúc của quy chế mới sẽ ngắn gọn hơn, đảm bảo nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo nhưng với các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng về công bố khoa học cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn.

Ngoài ra, quy chế cũng sẽ bổ sung những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc quản lý nghiên cứu sinh, trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án, của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh trong trường hợp có khiếu kiện về nội dung và chất lượng của luận án.

- Bà có nói đến các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng khoa học công bố cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh. Cụ thể, yêu cầu đó là gì?

Khác với quy chế hiện hành quy định ngoại ngữ bắt buộc ở đầu ra, quy chế mới bắt buộc ngoại ngữ phải đạt chuẩn nhất định ngay từ đầu vào.

Ngoại ngữ được xem là công cụ hỗ trợ cho nghiên cứu vì vậy trước khi bắt đầu làm luận án, nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết để nghiên cứu, tham khảo tài liệu.

Mặt khác quy chế mới cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế.

Ngoài ra để đảm bảo đầu ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.

Video: Xôn xao việc đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam

- Để có một tiến sĩ giỏi, ngoài các yếu tố đầu vào, đầu ra như đã nói ở trên còn cần đề cập đến vai trò của người hướng dẫn. Quy chế mới có thay đổi gì liên quan đến vai trò của người hướng dẫn?

Quy chế mới quy định người hướng dẫn phải là người chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trở lên, là tác giả hoặc đồng tác giả của các công trình công bố quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh.

Đó còn phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo. Mỗi nghiên cứu sinh có tối đa 02 người hướng dẫn, trường hợp người hướng dẫn thứ nhất không phải là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo nơi nghiên cứu sinh đang theo học thì người hướng dẫn thứ hai phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đó.

Trường hợp người hướng dẫn độc lập là tiến sĩ nhưng chưa có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư thì phải có minh chứng có đủ công trình khoa học đạt chuẩn phó giáo sư trở lên theo quy định của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.

Người hướng dẫn có thể được tham gia Hội đồng cấp trường/viện trong trường hợp cần thiết để tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn được bảo vệ các quan điểm khi làm luận án, tăng tính tính khách quan khi đánh giá luận án, đặc biệt đối với những đề tài có ít chuyên gia đầu ngành.

Người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ luận án cấp trường/viện phải có trách nhiệm cùng nghiên cứu sinh về nội dung luận án khi có khiếu kiện về vi phạm bản quyền tác giả (đạo văn).

hoc-vien-khoa-hoc-xa-hoi-bac-thong-tin-lo-san-xuat-tien-si-2

Một số nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam

- Hiện nay Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được ban hành rồi và sẽ có những thay đổi về thời gian đào tạo của từng bậc. Quy chế có tính đến những thay đổi này đối với hoạt động tổ chức đào tạo tiến sĩ hay không?

Điều này đã được tính đến nên tổng thời gian đào tạo (kể cả thời gian gia hạn) sẽ rút ngắn hơn để đảm bảo phù hợp với xu thế chung và khác nhau đối với từng đối tượng tham gia dự tuyển (có bằng cử nhân, có bằng thạc sĩ), nhưng thời gian tối thiểu để hoàn thành luận án là 3 năm (thay vì 2 năm như trước đây) phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Hình thức đào tạo là tập trung toàn thời gian và cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm quản lý nghiên cứu sinh trong toàn bộ thời gian này

Ngoài ra, quy chế cũng sẽ có một số điều chỉnh khác nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như một số quy định mà qua thời gian thực hiện quy chế từ 2010 đến nay không còn hiệu quả.

- Yêu cầu đặt ra phải chăng quá khắt khe đối với điều kiện đào tạo tiến sĩ hiện nay của Việt Nam?

Phải nói thẳng, trong điều kiện hiện nay của các cơ sở đào tạo tiến sĩ, nếu áp dụng những quy định này là khó nhưng nếu xem xét đến bối cảnh phát triển chung của GDĐH của các nước ở trong khu vực, ta bắt buộc phải đặt ra chuẩn để phấn đấu.

Đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong GDĐH, là đào tạo những nhà nghiên cứu, vì vậy phải chuẩn từ chất lượng đầu vào, đảm bảo cơ chế thải loại trong quá trình đào tạo và đạt chuẩn chất lượng chất lượng đầu ra.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam trong đó yêu cầu trình độ, năng lực mà người tốt nghiệp mỗi cấp đào tạo cần đạt được. Khung trình độ này tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN.

 
Để đạt được chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cũng phải ngang bằng với tiến sĩ các nước khu vực ASEAN.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng

Tiến sĩ là bậc cao nhất (bậc 8/8). Để đạt được chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cũng phải ngang bằng với tiến sĩ các nước khu vực ASEAN.

Lâu nay ta vẫn có quan niệm điều kiện của Việt Nam là đặc thù, vậy cần phải có đặc thù.

Nhưng nay trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực được đào tạo phải tương thích với thế giới thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường lao động.

Do đó việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tiếp cận dần với chuẩn quốc tế và khu vực là rất cần thiết.

Cần chấp nhận có thể giảm quy mô để tập trung vào chất lượng và đào tạo tiến sĩ chỉ dành cho những người thực tài, thực lực, có mục tiêu học tập rõ ràng. Đào tạo tiến sĩ cũng chỉ thực hiện ở những cơ sở đào tạo đủ điều kiện đảm bảo chất lượng.

Video: Việt Nam nhiều tiến sĩ nhất Đông Nam Á

- Một vấn đề được nhắc đến nhiều khi nói về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay là chi phí cho đào tạo quá thấp (bình quân khoảng 15 triệu đồng/năm). Quy chế mới có khắc phục được bất cập này không, thưa bà?

Bất cập về chi phí đào tạo tiến sĩ đã được bàn đến nhưng ở phạm vi của Quy chế đào tạo chưa thể quy định cụ thể như việc nâng chi phí đơn vị (đầu tư đào tạo một nghiên cứu sinh/năm) ở mức tương đương với mức chi phí đơn vị trong khu vực, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, chi phí cho nghiên cứu sinh hay người hướng dẫn đi dự hội nghị, hội thảo nước ngoài...

Tuy nhiên từ việc nâng cao những quy định về chất lượng của nguồn tuyển, của quá trình tổ chức đào tạo buộc cơ sở đào tạo cũng như các cơ quan quản lý phải có những đề xuất hoặc giải pháp đảm bảo đầu tư xứng đáng để đạt chất lượng như mong muốn.

Trên cơ sở những ý kiến của các nhà khoa học, các cơ sở trực tiếp đào tạo, Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khác để đề xuất Chính phủ sửa đổi những quy định về tài chính cho phù hợp với thực tế.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn