Ngày 5/6, các thí sinh tại Khánh Hòa bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024. Ngữ văn là môn thi đầu tiên, theo hình thức tự luận. Thí sinh làm bài thi Văn trong 120 phút.
Câu chuyện shipper bị khóa tài khoản vì khách tố "ăn chênh" 1.000 đồng khi giao hàng từng nổi trên mạng hồi tháng 5 vào đề thi Văn lớp 10 của tỉnh Khánh Hòa.
Ở phần Đọc hiểu, đề thi trích dẫn một đoạn trong bài báo đăng trên tờ Phụ nữ Việt Nam:
"Câu chuyện của anh shipper và cô gái nhận hàng cũng chỉ xoay quanh 1.000 đồng. Vì không có tiền lẻ trả lại, anh shipper tự động làm tròn 1.000 đồng khi thanh toán với khách. Cô gái cho rằng đây là hành động không thành thật. Cả hai tranh cãi qua lại và kết thúc bằng việc cô gái thông báo cho app giao hàng, người shipper bị khóa tài khoản.
1.000 đứng ở trong câu chuyện này như một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía. Người thì không chấp nhận vì 1.000 mà bị coi như kẻ gian dối. Người lại không chấp nhận việc mình đúng nhưng bị coi là kẹt xỉn. Đứng giữa lằn ranh lý - tình, 1.000 quá nhỏ để phân định đúng - sai, nhưng lại quá lớn để làm tổn thương đến lòng tự trọng của mỗi người".
Đề thi đưa ra 4 yêu cầu cho thí sinh:
Câu 1, chỉ ra 2 từ mượn của ngôn ngữ châu Âu được sử dụng trong đoạn trích. Ở câu 2, thí sinh đọc kỹ đoạn trích để xác định nguyên nhân dẫn đến tranh cãi giữa shipper và cô gái nhận hàng. Câu 3, nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu sau: "1.000 đứng ở trong câu chuyện này như một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía". Câu 4 yêu cầu thí sinh nêu quan điểm cá nhân về mối quan hệ ứng xử giữa người với người, sự phân định rạch ròi đúng - sai có cần thiết và vì sao?
Cô Bùi Thị Bảo Ngọc, Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn, hiện là giáo viên trường THPT Khoa học giáo dục, đánh giá đề thi tương đối vừa sức, không đánh đố. Dù có khá ít câu hỏi mở, khả năng phân loại thí sinh chưa cao nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu cấu trúc thi vào lớp 10.
"Với phần đọc - hiểu văn bản, ngữ liệu đọc hiểu có tính thời sự, sát với thực tế cuộc sống. Đề thi khá thú vị, khơi dậy được hứng thú làm bài, phát huy tư duy, năng lực, kỹ năng đánh giá các vấn đề xã hội của học sinh. Từ đó giúp các em bày tỏ quan điểm cá nhân, hướng tới lối sống tích cực, văn minh", cô nhấn mạnh.
Ngữ liệu từ mạng xã hội cũng góp phần giúp học sinh nhìn nhận, đánh giá và điều chỉnh lại hành vi ứng xử của bản thân trên không gian mạng nói riêng và thực tế cuộc sống nói chung.
Bình luận