(VTC News) – Việc bà Trịnh Vĩnh Trinh đòi hỏi Cục NTBD thu hồi giấy phép biểu diễn chương trình Ru tình tại Cung Văn hóa Hà Nội tới đây là sai với luật pháp hiện hành.
Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật ngày 26/10/2004 và Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đã có hiệu lực từ 01/7/2006 nhưng việc thực hiện tác quyền hiện nay vẫn còn nhiều phức tạp. Và vừa qua, dư luận lại dậy sóng về vấn đề sử dụng tác quyền nhạc Trịnh.
Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật ngày 26/10/2004 và Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đã có hiệu lực từ 01/7/2006 nhưng việc thực hiện tác quyền hiện nay vẫn còn nhiều phức tạp. Và vừa qua, dư luận lại dậy sóng về vấn đề sử dụng tác quyền nhạc Trịnh.
“Vụ án” Ru tình, ai đúng, ai sai?
Để độc giả tiện theo dõi, chúng tôi xin tóm tắt lại như sau: Sự việc lên đến đỉnh điểm khi ngày 10/2, bà Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn - đã gửi đơn tới Cục nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch Hà Nội và các cơ quan chức năng cho biết, đêm nhạc Trịnh mang tên Ru tình do Liên đoàn Xiếc Việt Nam và công ty Mediamax tổ chức sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối ngày 7 và 8/3 chưa thực hiện tác quyền và yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn rút giấy phép của đơn vị tổ chức biểu diễn này.
Cố NS Trịnh Công Sơn và em gái Vĩnh Trinh năm 1968 (ảnh: internet) |
Thực chất không phải Liên đoàn Xiếc VN không thực hiện tác quyền, bởi họ đã nộp tiền tác quyền cho các đêm biểu diễn (theo giấy phép được cấp) cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhưng sau đó VCPMP trả lại vì trước đó, ngày 7/1/2011, bà Trịnh Vĩnh Trinh đã ký hợp đồng với Công ty IB Group (Công ty Inter Brand), cho phép công ty này độc quyền khai thác các tác phẩm của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để tổ chức một số đêm nhạc cũng mang tên Ru tình tại Hà Nội từ 10/2/2012 đến 10/3/2012 với mức phí trọn gói 20 triệu đồng. Trong chương trình Ru Tình của IB Group, bà Trinh cũng tham gia trực tiếp với vai trò cố vấn nghệ thuật.
Dù đã ký hợp đồng độc quyền với Công ty IB Group nhưng hơn 2 tháng sau (ngày 3/9/2011), bà Trinh lại ký hợp đồng ủy thác quản lý quyền tác giả đối với các tác phẩm của Trịnh Công Sơn cho VCPMC, nhưng VCPMC không được thông báo về hợp đồng độc quyền kể trên và đã nhận tác quyền do Liên đoàn xiếc VN nộp ngày 27/12/2011 (Liên đoàn xiếc VN đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép chương trình Ru tình vào ngày 19/12/2011). Sau đó 1 ngày, do nhận được ý kiến không đồng ý từ phía gia đình cố NS Trịnh Công Sơn nên VCPMC thông báo hủy giao dịch này và gửi văn bản đến Liên đoàn Xiếc VN nhưng Liên đoàn xiếc VN không đến nhận tiền.
Đêm nhạc Ru tình độc quyền của IB Group |
Về những khúc mắc như trên, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn (Trưởng Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh) cho biết: “Hợp đồng độc quyền của bà Trinh với IB Group thiếu chữ ký của người đồng sở hữu là không có giá trị pháp lý. Từ thời điểm bổ sung thêm ủy quyền của ông Trịnh Xuân Tịnh thì hợp đồng này mới có giá trị.
Tuy nhiên, vì hợp đồng ủy quyền giữa gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với VCPMC là hợp pháp trước khi hợp đồng độc quyền này có giá trị nên tóm lại, hợp đồng độc quyền của bà Trinh và IB Group là vô hiệu.
Trong trường hợp này, lỗi đầu tiên là phía gia đình cố NS Trịnh Công Sơn và VCPMC chỉ liên đới trách nhiệm khi bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nam, cực chẳng đã nên phải thu hồi lại hợp đồng thu tác quyền đồi với Liên đoàn xiếc VN. Đáng lẽ, khi ủy thác cho VCPMC thì bà Trinh phải thông báo cho VCPMC biết, về hợp đồng độc quyền tổ chức nhạc Trịnh tại Hà Nội như đã nêu trên cho VCPMC biết, để VCPMC tránh cấp phép sử dụng cho người khác trong thời gian độc quyền.
Cố NS Trịnh Công Sơn và em gái (ảnh: internet) |
Về mặt nguyên tắc thì Liên đoàn xiếc Việt Nam nếu khởi kiện vì bị ảnh hưởng đến lợi ích của họ thì sẽ khởi kiện bà Trinh, trong đó VCPMC là liên đới vì trung tâm này chỉ làm theo hợp đồng ủy thác của bà Trinh.
Có 2 chương trình đều mang tên là Ru tình – tên một bài hát của cố NS Trịnh Công Sơn nhưng nếu đơn vị biểu diễn nào đã đăng ký thương hiệu và được cấp bằng chứng nhận đăng ký hàng hóa (cụ thể là dịch vụ biểu diễn) trước thì có quyền ngăn cản những cá nhân, đơn vị khác không được dùng thương hiệu này cho tên chương trình nữa (vẫn có quyền sử dụng bài hát Ru tình trong chương trình). Nếu tổ chức hoặc cá nhân vi phạm thì có thể bị khởi kiện ra tòa. Trường hợp cả 2 đơn vị chưa được chứng nhận đăng ký thương hiệu Ru tình thì cả 2 đều có quyền sử dụng như nhau”.
Ông Toàn cũng cho biết, Cục NTBD cấp phép cho Liên đoàn Xiếc VN biểu diễn hoàn toàn đúng quy định vì trong quy định về quản lý nghệ thuật biểu diễn, không yêu cầu đơn vị tổ chức biểu diễn phải chứng nhận đã đóng tác quyền mới được cấp giấy phép.
Cục NTBD chỉ xem xét xem chương trình đó nội dung có vi phạm pháp luật, chính trị, văn hóa hay không, trang phục và tất cả mọi thứ có phản cảm, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục Việt Nam hay không. Bà Trinh không thể yêu cầu thu hồi rút giấy phép của Liên đoàn xiếc VN và Cục NTBD cũng không thể làm trái luật để theo ý bà Trinh.
Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của ông Toàn, luật tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Việt Nam hiện nay như thế là không chuẩn, phải sửa lại luật là xin phép người sở hữu tác quyền trước rồi mới cấp phép biểu diễn.
Ở các nước khác, không có quy định phải xin phép biểu diễn, cá nhân hay đơn vị nào thích thì cứ biểu diễn và nếu có vi phạm quyền của ai thì người đó sẽ thưa kiện ra tòa. Và như vậy, họ phải xin phép tác giả hoặc người sở hữu tác quyền trước, nếu không sẽ bị kiện.
Độc quyền là không phù hợp với tinh thần của Trịnh Công Sơn?
Đã khá lâu rồi từ khi NS tài hoa Trịnh Công Sơn qua đời, chuyện lùm xùm tác quyền các ca khúc của ông hầu như năm nào cũng có. Nhưng năm nay, ngoài chuyện “lùm xùm” giữa 2 chương trình cùng tên Ru Tình thì những người yêu nhạc Trịnh lại giật mình: Nhạc Trịnh bị độc quyền! Và như vậy, những người mộ điệu nhạc Trịnh mấy ai được thưởng thức những đêm nhạc tưởng nhớ người nhạc sỹ tài hoa này khi giá vé ngất ngưởng hơn cả tháng lương của những người lao động bình thường?
Theo luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, cái lỗi của sự độc quyền này là do pháp luật hiện hành của Việt Nam. Luật trước năm 1995 thì quy định các tác phẩm đã công bố không ai được độc quyền, mọi người đều có thể sử dụng, miễn là trả tiền tác quyền, không có chuyện độc quyền vô lối như thế này nhưng sau năm 1995 thì luật lại cho phép như thế.
Hiện tượng này không hay nhưng rất tiếc, luật hiện nay lại cho phép như thế và dẫn đến việc mua độc quyền sử dụng bài hát. Việc độc quyền này là do ý thích của người chủ tác quyền nên khó có thể nói là cạnh tranh không lành mạnh được vì nó đã được pháp luật cho phép.
Tuy nhiên, điều đáng nói là những người thừa kế di sản âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã làm đúng tinh thần như thuở sinh thời của nhạc sỹ và việc làm của họ có ý nghĩa hay không trong việc quảng bá nhạc Trịnh đến với đông đảo người hâm mộ?
Trong nhóm Những người bạn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Từ Huy đã từ giã thế gian ( ảnh: internet) |
Nhớ về người anh cả của nhóm Những người bạn (gồm các tên tuổi nổi tiếng: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, và Thanh Tùng) một thời, nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên cho biết: “Anh em trong nhóm chúng tôi chơi thân với nhau từ những năm 1976 – 1977. Tinh thần sáng tác của anh em trong nhóm là làm để chơi cho vui thôi và cũng vì mục đích là mình phải viết hay hơn nhạc hải ngoại lúc đó đang thịnh hành để kéo khán giả Việt về với nhạc Việt trong nước. Vì vậy mà nhóm chúng tôi nói chung và anh Sơn nói riêng không hề sáng tác độc quyền cho ai hết. Theo tôi biết, ý của anh Sơn cũng không muốn độc quyền cho ai, anh em chơi thân với nhau nên biết và tất cả chúng tôi đều như vậy”.
Có lẽ, những người hiểu và yêu mến nhạc Trịnh cũng như con người của ông đều biết rằng, ông chưa bao giờ nghĩ tới việc độc quyền hay cho ai độc chiếm những “đứa con tinh thần” của mình mà đơn giản với ông, tất cả cũng chỉ là… “để gió cuốn đi”…
Phượng Hoàng
Bình luận