Các tài liệu mật bị rò rỉ trên mạng xã hội cung cấp nhiều thông tin chi tiết về đạn dược, huấn luyện và hệ thống phòng không tại một thời điểm quan trọng trong cuộc chiến Nga - Ukraine.
Lầu Năm Góc vẫn đang xem xét tính hợp lệ của các tài liệu. Nhưng hàng chục tài liệu đã được phân loại của Mỹ và NATO, một số được dán nhãn “tuyệt mật”, bắt đầu bị rò rỉ ở những nơi ít người biết đến trên Internet vào tháng 1, trước khi tràn qua Twitter và Telegram, thu hút sự chú ý vào tuần trước.
Dù các tài liệu chỉ cung cấp tình trạng của cuộc xung đột cho đến tháng 3, nhưng qua đó có thể có cái nhìn sâu sắc về khả năng quân sự của Ukraine, bao gồm quy mô tiểu đoàn, cách huấn luyện sử dụng vũ khí tiên tiến và triển khai các phương tiện chiến đấu hạng nặng, chẳng hạn như xe tăng Leopard II.
Tài liệu cũng đưa ra quan điểm về những thiếu sót của Kiev. Một số mô tả việc nước này có thể sớm cạn kiệt đạn dược cho các hệ thống tên lửa phòng không thời Liên Xô, phơi bày lỗ hổng tiềm ẩn trong các hệ thống phòng không của Ukraine.
Vụ rò rỉ gây lo ngại
Kurt Volker, thành viên cấp cao của Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, cho biết vụ rò rỉ này rất đáng lo ngại vì cung cấp cho thế giới một “ảnh chụp nhanh” về các đánh giá và phán đoán của Mỹ xung quanh cuộc chiến.
“Tài liệu thể hiện cho người Ukraine, người Nga, và những người khác rằng 'đây là những gì chúng tôi đang nghĩ'", Volker nói, và nó “có thể cung cấp một số manh mối về chất lượng thông tin của chúng tôi, nơi chúng tôi lấy thông tin đó... sẽ khiến những người mà chúng tôi đang thu thập thông tin từ họ ngừng cung cấp".
Có lẽ vụ rò rỉ đáng báo động nhất chứa thông tin về lực lượng phòng không Ukraine.
Một tài liệu vào tháng 2 nói rằng tên lửa cho hệ thống S300 sẽ hết vào tháng 5, trong khi hệ thống tên lửa SA-11 Gadfly sẽ cạn kiệt vào cuối tháng 3. Cả hai hệ thống này chiếm 89% lực lượng phòng không của Ukraine, theo NATO, và rất quan trọng trong việc chống lại các cuộc tấn công tên lửa thường xuyên của Nga.
Các blogger quân sự Nga lan truyền rộng rãi các tài liệu bị rò rỉ, bao gồm cả những tài liệu ước tính có bao nhiêu hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu được Ukraine triển khai.
Đánh giá của NATO cũng cho biết Ukraine chỉ có thể chịu được một vài đợt tấn công bằng tên lửa của Nga, đồng thời cung cấp bản đồ vị trí của các hệ thống phòng không của nước này.
John Herbst, giám đốc cấp cao Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, đã gọi thông tin về hệ thống phòng không của Ukraine là phần "đáng tiếc nhất" trong các tài liệu bị rò rỉ.
Tuy nhiên, ông cho biết không có tài liệu nào chứa thông tin quan trọng mà các đồng minh NATO và tình báo Nga chưa biết.
Ông nói: “Tôi không nghĩ cần nghi ngờ về việc vụ rò rỉ gây ra một số thiệt hại đối với nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Nhưng thiệt hại có quá lớn không? Chắc là không".
Sự im lặng của Moskva
Các tài liệu khác giải thích sức mạnh và khả năng của các lữ đoàn Ukraine, cũng như các hệ thống vũ khí mà Ukraine đã huấn luyện. Một tài liệu tháng 2 ước tính số lượng xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các đơn vị pháo binh của Ukraine.
Moksva đã im lặng một cách bất thường về vụ rò rỉ, mặc dù hãng tin nhà nước TASS công bố chi tiết của các tài liệu.
Các blogger quân sự Nga tỏ ra hoài nghi, với một tài khoản, War Chronicle, chỉ ra lỗi chính tả và lỗi khác trong tài liệu.
Rybar, một blogger có hơn 1 triệu người theo dõi trên Telegram, gọi đây là “một chiến dịch rò rỉ thông tin sai lệch quy mô lớn và có kiểm soát” nhằm khiến người Ukraine có vẻ như không chuẩn bị trước và cuối cùng khuyến khích Nga phạm sai lầm.
Vụ rò rỉ cũng gây lo lắng cho Mỹ vì Nga có thể tìm ra cách Lầu Năm Góc thu thập thông tin tình báo quan trọng về các lực lượng và khả năng của Nga. Các tài liệu không chỉ chứa thông tin về lực lượng của Ukraine mà còn đánh giá chi tiết về quân đội Nga, từ xe tăng đến pháo binh và máy bay.
Michael O'Hanlon, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, cho biết trong một email rằng vụ rò rỉ có thể "khiến Nga thắt chặt an ninh thông tin liên lạc, giảm khả năng của chúng ta về việc biết các động thái tiếp theo của họ".
Không rõ có bao nhiêu tài liệu hiện đang lưu hành trên internet, nhưng ít nhất 100 tài liệu riêng biệt đã xuất hiện, theo một số báo cáo và nhà phân tích.
Lầu Năm Góc hôm 10/4 từ chối bình luận về quy mô và phạm vi của vụ rò rỉ, tiết lộ rằng Bộ Quốc phòng vẫn đang điều tra vấn đề.
Các tài liệu này cũng được cho là “có định dạng tương tự như những tài liệu được sử dụng để cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày cho các nhà lãnh đạo cấp cao về các hoạt động liên quan đến Ukraine và Nga, cũng như các thông tin cập nhật tình báo khác” và “có nguy cơ rất nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”.
Lầu Năm Góc cũng kêu gọi thận trọng khi nghiên cứu các tài liệu, lưu ý rằng một số tài liệu đã bị thay đổi.
Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, đã gọi vụ rò rỉ thông tin tình báo là một nỗ lực nhằm “chuyển hướng sự chú ý” và “gieo rắc bất hòa” giữa các đồng minh phương Tây.
Bình luận