Ước tính khoảng 2.000 người chết trong thành phố La Mã cổ đại do bị ngạt bởi khí và tro.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tới từ Khoa Trái đất và Địa môi trường của Đại học Bari (Italy) và Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh mô tả đó là khoảng thời gian dòng nham tầng gồm dung nham đông đặc và khí nóng đổ vào thành phố La Mã cổ đại vài phút sau khi núi lửa phun trào.
Roberto Isaia, nhà nghiên cứu cấp cao của Đài quan sát Vesuvius cho biết đám mây bụi chết người có nhiệt độ trên 100 độ C, chứa CO2, clorua, các hạt tro nóng sáng và thủy tinh núi lửa.
Nghiên cứu xác nhận rằng người dân không thể thoát đi và hầu hết chết ngạt trong nhà, trên giường của họ hoặc trên các con phố và quảng trường của thành phố. Mô hình của Isaia và các cộng sự ước tính khí, tro bụi và các hạt núi lửa nhấn chìm thành phố trong khoảng từ 10 đến 20 phút.
“Khả năng hàng chục người chết do mưa đá ngầm đổ xuống Pompeii sau vụ phun trào, nhưng hầu hết trong số họ chết vì ngạt thở", chuyên gia này cho hay và nói thêm rằng dòng nham tầng di chuyển tới Pompeii vài phút sau vụ phun trào.
“Các cư dân không thể tưởng tượng được những gì đang xảy ra. Người Pompei từng sống chung với động đất, chứ không phải các vụ phun trào. Vì vậy họ bị bất ngờ và bị cuốn đi bởi đám mây tro bụi nóng sáng đó", Isaia cho hay.
Theo chuyên gia người Itatia, có thể so sánh vụ phun trào này với tuyết lở. "Tro núi lửa chạy dọc theo sườn núi lửa với tốc độ hàng trăm km/h ở nhiệt độ cao và nồng độ các hạt cao", ông cho hay.
Hiện tại, tàn tích của Pompeii là địa điểm khảo cổ thu hút rất đông du khách tới thăm Italia.
Giáo sư Pierfrancesco Dellino thuộc Đại học Bari cho rằng việc tái tạo những gì xảy ra trong vụ phun trào Vesuvius là rất quan trọng. Điều này giúp theo dõi các đặc điểm của dòng chảy khoáng chất.
Bình luận