"Các biện pháp cứng rắn nhất trong lịch sử đối với Triều Tiên vẫn đang được duy trì. Đó có lẽ là điều đang gây áp lực với Chủ tịch Kim. Chúng ta nhìn thấy điều đó ngay sau chuyến công du của ông ấy tới Nga. Ngay sau khi nói chuyện với Tổng thống Putin, ông ấy đã quyết định triển khai các hành động đó", ông Pompeo nói trong cuộc phỏng vấn với CBS News hôm 5/5.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ không nói rõ cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga-Triều đã ảnh hưởng như thế nào đối với Triều Tiên.
Cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Vladimir Putin hồi cuối tháng 4 không chỉ là chuyến thăm đầu tiên của ông Kim tới Nga kể từ sau khi lên nắm quyền vào năm 2011 mà còn là chuyến đi đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên sau khi ông được bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, cơ quan ra quyết định cao nhất của quốc gia này.
Cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo Nga- Triều Tiên trong 8 năm qua được cả hai bên đánh giá là “hiệu quả và tích cực”, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Nga- Triều trong thời gian tới, cũng như tạo ra “chất xúc tác” để tháo gỡ những rào cản hiện nay trong các cuộc đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cả Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều nhất trí rằng, cuộc gặp của họ có thể giúp kiểm soát chiến lược tình hình bất ổn trên bán đảo Triều Tiên sau khi hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ lần 2 kết thúc mà không đạt thành công như mong đợi.
Sáng 4/5, Triều Tiên phóng một số vật thể bay không xác định với tầm bay vào khoảng 70-200 km từ khu vực gần thành phố Wonsan hướng về phía biển Nhật Bản nhưng không rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này.
Một ngày sau đó, truyền thông Triều Tiên xác nhận nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân giám sát cuộc tập trận bắn đạn thật với nhiều giàn phóng tên lửa đa nòng và vũ khí dẫn đường chiến thuật.
Theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, mục đích của cuộc diễn tập là để thử nghiệm hiệu suất của các khí tài trên, đồng thời ngầm ám chỉ vụ phóng hôm 4/5 không liên quan đến các tên lửa đạn đạo tầm xa vốn được coi là một mối đe dọa đối với Mỹ.
Giới quan sát cũng tin rằng động thái mới nhất của Bình Nhưỡng là "đòn gió" với Mỹ trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bế tắc và Triều Tiên chưa có ý định cắt đứt hoàn toàn đối thoại với Washington bởi nếu không họ đã phóng tên lửa đạn đạo.
Sau vụ phóng của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc khẳng định sẽ theo dõi sát sao tình hình, duy trì liên lạc trước khi đưa ra các quyết định tiếp theo. Seoul cùng với đó kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành vi leo thang căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên và tham gia vào nỗ lực nối lại đàm phán hạt nhân.
Bình luận