• Zalo

Vụ ông Trần Văn Truyền: Dân có quyền nghi ngờ việc 'giơ cao đánh khẽ'

Thời sựThứ Hai, 24/11/2014 12:30:00 +07:00Google News

(VTC News) – Xung quanh kết luận về những sai phạm của ông Trần Văn Truyền, cử tri có quyền nghi ngờ có sự nể nang, bao che, 'giơ cao đánh khẽ'.

(VTC News) – Xung quanh kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về về những sai phạm của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, cử tri có quyền nghi ngờ có sự nể nang, bao che, ‘giơ cao đánh khẽ”.

Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm ông Trần Văn Truyền.

Trả lời phỏng vấn PV VTC News bên hành lang Quốc hội sáng nay (24/11), bà Khá đánh giá đây là một vụ việc nghiêm trọng, cần sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan pháp luật để có thể kết luận đúng người đúng tội, tránh để người dân mất lòng tin vào Đảng, chính quyền.

- Sau kết luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vụ việc của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, với tư cách là đại biểu Quốc hội, bà thấy đã thỏa đáng hay chưa? Kết luận đó có khôi phục được niềm tin của cử tri hay chưa?

ĐBQH Nguyễn Thị Khá: "Phải làm  rõ những sai phạm của ông Trần Văn Truyền để người dân không mất lòng tin vào Đảng" (Ảnh HL)
Trước đây người dân có nghi ngờ nhưng với kết luận này đã phần nào tạo sự tin tưởng của người dân đối với Đảng. Cái này đã rõ ràng rồi.


Còn vấn đề sai phạm, ngoài trách nhiệm của Đảng, nếu có gì liên quan đến pháp luật tôi cũng mong muốn được xử lý nghiêm minh để người dân lấy lại lòng tin. Đừng vì một người mà nghi ngờ nhiều người, không hay. Người nào sai thì chỉ rõ người đó, chỉ đúng người đúng tội, không nên ép người ta, mà cũng không nên gây ra oan sai, cần rõ ràng để dân tin tưởng.

- Theo quan sát và đánh giá của bà, trong vụ việc này có sự nể nang, né tránh hay không?

Tôi không biết ở đây có nể nang hay không, cái này phải đợi kết luận rồi mới biết được. Tuy nhiên tôi cho rằng mình nên chờ đợi chứ không phải cái gì mình cũng nghi ngờ hết, không hay lắm.

- Mặc dù đã có kết luận đó rồi nhưng nhiều người vẫn cho rằng trong vụ việc này có sự “giơ cao đánh khẽ”, bà có nghĩ vậy không?

Xã hội hiện nay là chín người, mười ý, người dân có quyền nghi ngờ. Còn nghi ngờ đúng hay sai thì chỉ có pháp luật mới kết luận được. Tất nhiên mỗi người dân có quyền nghi ngờ riêng theo cách nghĩ của họ, mình cũng không cấm người dân được. Và khi nghi ngờ điều gì thì hẳn mỗi người đều có cơ sở riêng.

Để trả lời cho người dân thì chỉ có công lý mới trả lời được, chứ không phải nghi ngờ rồi kết tội là không được. Một người chỉ có tội sau khi có kết luận tội mà thôi.

- Theo giám sát của bà thì thực tế có nhiều trường hợp giống như ông Trần Văn Truyền, có nhà rồi còn xin nhà khác, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn xin nhà khác…?


Vấn đề này thì tôi cũng không dám nói cụ thể là có hay không. Nhưng tôi mong muốn pháp luật phải làm rõ. Còn sự nghi ngờ của người dân thì người ta có thể so sánh giữa người này với người khác, nhưng sự so sánh đó cũng có cơ sở, cũng không phải tuyệt đối không có trường hợp khác giống như thế. Nếu muốn tạo niềm tin cho người dân thì pháp luật phải làm rõ điều đó.
Nhà đất có liên quan đến ông Truyền ở nhiều nơi được ủy ban Kiểm tra trung ương làm rõ. (Ảnh: Tuổi trẻ)

- Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của cơ quan giám sát, khi mà sự việc của ông Trần Văn Truyền do báo chí phát hiện ra chứ không phải là cơ quan giám sát?

Mỗi lĩnh vực công tác đều có các cấp quản lý. Với vụ việc này thì cấp nào quản lý, vụ khác thì cấp nào quản lý. Đã có phân cấp rồi, trách nhiệm này thuộc về ai thì lãnh đạo cấp đó sẽ có trách nhiệm, còn cấp dưới thì không thể có trách nhiệm, quyền hạn được.

Tôi mong muốn lãnh đạo cấp nào, với chức năng là cơ quan quản lý của mình phải làm cho rõ ràng, rành mạch, sáng tỏ, công khai minh bạch đừng để sự nghi ngờ của người dân tăng thêm.

Mà khi người dân nghi ngờ rồi mất lòng tin thì rất là khó cứu vãn. Không những thế, xã hội mà để một cấp lãnh đạo bị nghi ngờ thì sẽ khó điều hành hiệu quả.

- Từ kết luận của cơ quan Kiểm tra Trung ương, bà nghĩ ông Trần Văn Truyền có tham nhũng không?

Tôi chưa thể nói được có tham nhũng hay không, nhưng rõ ràng ở đây ông Truyền chưa tự giác, chưa gương mẫu, chưa trung thực. Còn tham nhũng hay không thì phải để cho cơ quan pháp luật kết luận.

- Với tư cách là đại biểu Quốc hội, bà bình luận thế nào về tư cách của Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền?

Chúng ta không thể vì một sự việc nào đó mà đánh giá tư cách một con người được. Phải đánh giá một cách tổng thể, quá trình, trách nhiệm, quyền hạn, vấn đề quản lý. Có thể sự sai sót đó mình không thể đổ lỗi cho một cá nhân mà còn có cơ quan quản lý, tổ chức đảng ở đó.
 

Tôi chưa thể nói được có tham nhũng hay không, nhưng rõ ràng ở đây ông Truyền chưa tự giác, chưa gương mẫu, chưa trung thực. Còn tham nhũng hay không thì phải để cho cơ quan pháp luật kết luận.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá
 


Tôi nghĩ nên có trách nhiệm của những người có tác động đến người đó, bản thân người đó có trách nhiệm một, nhưng cơ quan quản lý của người đó cũng phải có trách nhiệm, không phải với một cá nhân người nào mà ai cũng vậy.

Đứng ở một vị trí nào, làm việc ở một cơ quan nào cũng phải có trách nhiệm của cấp trên về chủ trương, đường lối, kiểm tra, giám sát và tự thân người đó. Cần phải có sự hài hòa như thế. Chứ còn cá nhân người đó tốt, nhưng chủ trương ở tổ chức đó không tốt thì cũng không tốt.

Ngược lại, nếu chủ trương ở đó tốt, mà cá nhân người đó không tốt thì cũng không thể tốt. Tôi nghĩ cần phải có sự hài hòa giữa trách nhiệm nghĩa vụ của cá nhân và tổ chức.


- Bà nghĩ sao trước ý kiến cho rằng “ai ở vị trí của ông Truyền thì cũng sẽ làm như thế”?

Cũng không thể nói vậy được tại vì còn phụ thuộc vào tư cách của mỗi người nữa.

Ví dụ như bạn vừa nói ở điều kiện như thế ai cũng như thế, nhưng tôi cho rằng điều kiện đó chỉ là một, mà còn có sự tác động của bản thân người đó. Một người liêm chính sẽ không lợi dụng điều kiện đó.

Tất nhiên, nếu điều kiện quá dễ dãi thì cũng có thể với một người không có ý định lợi dụng, nhưng cũng không phải là người liêm chính thì họ thấy điều kiện quá dễ dãi thì họ lợi dụng.

Nói chung cái này phải tùy trường hợp, mỗi người cụ thể. Nói ai đứng vào trường hợp đó cũng như thế là không phải. Tôi nghĩ có nhiều vấn đề xảy ra.

- Theo bà nếu chỉ thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền mà không có hình thức xử lý khác nữa thì liệu có quá dễ dãi, tạo tiền lệ cho nhiều trường khác sẽ tái diễn không?

Sau khi có kết luận của cơ quan Đảng rồi, chắc bên Nhà nước cũng có tác động như thế nào đó và có biện pháp tiếp theo như thế nào, bởi vì nó có liên quan đến người cấp đất, cấp nhà sai và liên quan đến người kia.

- Quay trở lại câu chuyện bổ nhiệm rất nhiều cán bộ trước khi ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu, theo bà các cơ quan chức năng cần biện pháp gì để tránh việc những cán bộ không đủ năng lực nhưng vẫn được làm việc ở một cơ quan quan trọng như Thanh tra Chính phủ?

Tôi nghĩ nên rà soát lại về tiêu chí, mức độ hoàn thành công việc của các cán bộ đó. Trước khi bổ nhiệm chúng ta có tiêu chí gì, từ khi được bổ nhiệm đến nay họ đã hoàn thành công việc tới mức độ nào, căn cứ vào đó để đánh giá, chứ không phải tất cả những người được bổ nhiệm đó đều phải rà soát.

Chúng ta phải đánh giá trên tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ, theo tôi là như vậy. Cần phải xem lại từ khi họ được bổ nhiệm đến nay họ đã hoàn thành nhiệm vụ thế nào, công tác thế nào, tinh thần trách nhiệm của họ ở mức độ nào. Còn những người không đạt theo tiêu chí, trách nhiệm hoàn thành, thái độ không nhiệt tình thì mới nên xem xét. Chứ không phải vơ đũa một nắm.  

- Chính lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định có nhiều người trong số những cán bộ được ông Trần Văn Truyền bổ nhiệm trước lúc nghỉ hưu không đủ tiêu chí để được tuyển chọn vào vị trí đó, thế nhưng cơ quan này cũng không đưa ra hình thức xử lý cụ thể nào, thưa bà?

Đó là trách nhiệm của người đứng đầu ở đó. Anh đưa ra tiêu chí đi, người đó làm việc thế nào, mức độ hoàn thành ra sao. Năng lực còn phải theo nhiệt tình nữa. Nếu họ có năng lực, nhiệt tình, hoàn thành tốt công việc thì như thế nào. Còn họ không đạt yêu cầu thì phải quy trách nhiệm của người đứng đầu ở đó chứ không thể đổ cho ai khác.

Anh có quyền xử lý vì đã được phân cấp. Nếu lãnh đạo ở bộ đó bố trí, thì anh bố trí được thì cũng xử lý được, vậy thôi. Còn anh không xử lý thì quy trách nhiệm của người đứng đầu.

Hoàng Lan

Bình luận
vtcnews.vn