• Zalo

Vụ nổ gas: “Không thể trách lực lượng cứu hộ"

Thời sựThứ Bảy, 05/11/2011 12:01:00 +07:00Google News

Nếu lúc đó anh em chiến sĩ thấy mạch của 1 trong 2 cháu vẫn đập thì chắc chắn sẽ “hy sinh” những nhà bên cạnh để cứu các cháu...

Sau vụ nổ khí ga tại Tạ Quang Bửu sáng ngày 3/11, có nhiều ý kiến cho rằng lực lượng cứu hộ đã chậm trễ trong việc tiếp cận hiện trường và giải cứu các nạn nhân.

Với những người trong cuộc, 6 giờ giải cứu vụ nổ khí gas là 6 giờ đầy nước mắt (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+) 
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, không thể quy trách nhiệm cho họ, bởi còn rất nhiều yếu tố gây khó khăn cho quá trình giải cứu nạn nhân. Và cũng không mấy người hay, 6 giờ vật lộn với hàng tấn bê tông hôm ấy là 6 giờ đầy mồ hôi, nước mắt mà những người trong cuộc chẳng thể nào quên.

6 giờ giải cứu đầy nước mắt


Tự tay xắn quần áo, lồm cồm mò mẫm trong đám bê tông đổ nát, anh Nguỵ Xuân Trường, đội trưởng đội chữa cháy chuyên nghiệp, phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hoàng Mai bảo, anh đã cảm động đến rơi nước mắt khi thò tay tìm thấy hai đứa trẻ bị vùi trong tai nạn nổ gas hôm qua, 3/11.


Thế nhưng, cảm giác ớn lạnh ngay lập tức dâng lên khi rờ hai bàn tay nhỏ bé, anh thấy chúng đã lạnh toát và không còn mạch đập.


Và cũng chính vì xác định được nạn nhân hầu như đã không còn hy vọng sống sót, anh Trường và những chiến sĩ của đội cứu nạn thống nhất, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tránh tình trạng sập liên hoàn khi một nửa ngôi nhà đã gối hẳn lên nhà hàng xóm. Quan trọng hơn, cả đội quyết tâm đưa hai cháu bé ra ngoài trong tình trạng nguyên vẹn nhất.


“Chúng tôi hoàn toàn có thể sử dụng máy xúc để đẩy bay những mảng bê tông đè lên người các cháu. Làm thế nhanh vô cùng, nhưng như vậy không thể đảm bảo các cháu được an toàn,” anh Trường rơm rớm.


Và thế là, hơn 20 chiến sỹ của đội cứu nạn dưới sự chỉ huy của anh Trường thay nhau, 5 người một lượt phải tỉ mẩn khoan, cắt từng mảng bê tông sắt thép. Sợ cánh lính trẻ thiếu kinh nghiệm, đích thân anh Trường là người đã cầm máy cắt dỡ từng tấm bê tông dày cả gang tay.



Xoa đôi bàn tay vẫn còn thâm tím, anh Trường nhớ lại cảm giác cầm chiếc máy cắt sắt. Lúc ấy, chỉ cần lỡ tay một chút thôi, lưỡi dao sắc lẹm có thể cắt vào da thịt các cháu bất cứ lúc nào. Vì thế, anh cứ mò mẫm từng tí một, đến khi mảng bê tông rữa ra hết mới thôi.


Anh Trường bảo, đó là một trong lý do khiến cuộc cứu hộ
kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ. Đến tận bây giờ, anh vẫn thấy thương mấy chục anh em chiến sĩ đã vất vả suốt ngày hôm qua.

“Họ là những người mẫu mực. Thay ca liên tục nhưng người nào người nấy mồ hơi ướt đẫm mà chẳng kêu nửa lời. Vừa làm anh em vừa thì thầm ‘Em ơi, bọn anh cố gắng đem em ra’ dù biết hy vọng sống sót của nạn nhân hầu như chẳng còn,” anh Trường nhớ lại.


Người trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ sập nhà tâm sự, nếu lúc đó, anh em chiến sĩ thấy mạch của 1 trong 2 cháu vẫn đập thì chắc chắn sẽ “hy sinh” những nhà bên cạnh để cứu các cháu ra một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, khi nắm tay hai đứa bé, lực lượng cứu hộ đã biết, điều quan trọng hơn là họ phải đảm bảo thân thể hai cháu an toàn tuyệt đối.


Khi nạn nhân cuối cùng được đưa ra khỏi đống đổ nát, những tiếng nức nở từ xung quanh bật lên. Bản thân những người trong cuộc cũng rơm rớm khi nâng trên tay mình thân thể của bé Tâm.


Theo đại tá Nguyễn Văn Lâm, trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hoàng Mai, tính chất hiện trường khá phức tạp cũng khiến công tác cứu hộ gặp không ít khó khăn.


Theo anh Lâm, địa hình của khu vực bị tai nạn nằm sâu trong ngõ nhỏ, nhiều vật cản, bốt điện cao thế lại nằm ở ngay cạnh căn nhà bị sập. Bởi thế, việc tiếp cận hiện trường là không hề đơn giản.


“Căn nhà bị sập rất yếu, có thể đâm xuống trạm cao thế và nhà bên cạnh bất cứ lúc nào, thậm chí, lính cứu hỏa cũng có thể bị nguy hiểm đến tính mạng,” anh Lâm nhận định.


Anh Lâm cũng bày tỏ lo ngại với các công trình khu chung cư, tập thể cũ đều có gắng cơi nới hay xây thêm các “chuồng cọp.” Điều này khiến các công trình yếu đi rất nhiều. Nghiêm trọng hơn, khi gặp sự cố, người bị nạn sẽ rất khó để tìm cách thoát thân. Công tác cứu nạn vì thế cũng gặp rất nhiều trở ngại.



“Tội” còn nằm ở quản lý quy hoạch?


Đồng ý với quan điểm này khi nhìn nhận vụ nổ khí gas ngày 3/11 vừa qua, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội xây dựng Việt Nam lại cho rằng, trước hết cần xem xét vấn đề từ khía cạnh quy hoạch đô thị.


“Do quy hoạch không bài bản nên chúng ta khó có thể trách lực lượng cứu hộ chậm trễ,” ông Hùng khẳng định.


Theo chủ tịch Hiệp hội xây dựng, thực tế, gốc rễ của vấn đề nằm ở chính sách cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị cũ của Việt Nam. Thực tế, hiện nay tại Hà Nội nói riêng đã xuất hiện rất nhiều khu phố hình thành từ các làng cổ như Hào Nam, Ngọc Hà, Cổ Nhuế… Việc xây dựng ở các khu vực này đa phần mang tính tự phát, không tuân theo các quy hoạch khoa học. Đây chính là lý do khiến cho nhiều nơi xuất hiện các loại nhà có diện tích siêu nhỏ, ban công gác vào ban công nằm sâu trong những con ngõ mà chỉ cần 2 xe máy đi ngược chiều đã tắc.


“Hiện Hà Nội còn hàng triệu người sống trong những con ngõ không có ánh sáng mặt trời như thế,” ông Hùng nói.


Thực tế này, theo đại diện Tổng hội Xây dựng, đã đặt ra bài toán cực khó cho việc tiếp cận hiện trường của các lực lượng cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra.


“Ngõ nhỏ, xe cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường. Vụ việc ngày hôm qua chỉ là một ví dụ, nếu nổ lại kèm thêm cháy, tôi nghĩ hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn nữa,” ông Hùng khẳng định.


Thực tế, theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, để tiếp cận ngôi nhà 3 tầng bị đổ sập sáng 3/11, sau khi cố thử qua 2 ngõ chính dẫn có bề rộng chỉ vừa 1 xe máy, lực lượng cứu hộ đã phải phá tường khu chung cư gần đó để tạo đường vào. Toàn bộ các xe cứu hỏa đều phải nằm ở vòng ngoài phía đường Tạ Quang Bửu vì không thể “vươn” tới hiện trường.


“Đây là cái ‘tội’ trong quá trình xây dựng và quản lý quy hoạch chung của Việt Nam. Phía Tổng hội cũng đã có kiến nghị về vấn đề cải tạo các khu đô thị cũ, phường làng và coi đó là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong thời gian tới,” ông Hùng cho hay.


Với tất cả những lý do trên, theo ông Hùng, chúng ta không nên đánh giá lực lượng cứu hộ đã không làm tốt nhiệm vụ của mình. Ông cũng gợi ý, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu đến các phương án sử dụng phương tiện cứu hộ cỡ nhỏ để có thể nhanh chóng tiếp cận và giải cứu hiệu quả trong các tình huống có sự cố xảy ra.


Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân của vụ sập nhà ngày 3/11 có thể do nổ khí gas. Nhiều khả năng trong quá trình đun nấu xong, gia chủ quên không khóa bình gas hoặc do chuột cắn thủng dây dẫn gas khiến gas rò rỉ.

Theo thiếu tá Lê Việt Dũng, Đội trưởng Đội khám nghiệm hiện trường, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội, khí gas đã tích tụ trong nhà từ lâu, vì vậy chỉ cần xuất hiện một tia lửa bất kỳ, vụ nổ sẽ nổ ra. Thêm vào đó, do nhà anh Minh có kết cấu không vững chắc, xây tường 10, các tầng trên xây dựng theo kiểu chắp vá, không có trụ đỡ nên việc toàn bộ các tầng trên đổ sập là tất yếu.


Theo Vietnam+
Bình luận
vtcnews.vn