• Zalo

‘Vũ Như Tô’ Anh Tú qua đời, sân khấu phía Bắc còn ai tô điểm?

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 21/12/2018 13:01:00 +07:00Google News

NSND Anh Tú qua đời ở tuổi sung sức nhất của nghề đạo diễn, kịch nghệ Hà Nội trong nỗ lực trỗi dậy đã mất đi một ngọn “hải đăng”.

Nhiều năm nay, NSND Anh Tú đã không còn xuất hiện trên sân khấu với tư cách một diễn viên. Nhưng giai thoại về “chàng kỵ sĩ” của kịch nghệ phía Bắc vẫn được truyền tục. Đó là một người coi sân khấu đúng nghĩa “thánh đường”, thậm chí từng cởi giày, giũ hết cát bụi mới bước chân lên sàn diễn.

Giọng nam trầm ấm hiếm quý như “vàng mười”

Anh Tú là diễn viên khóa I của Nhà hát Tuổi trẻ, và thuộc lứa diễn viên trưởng thành trong thời kỳ vàng son của kịch nghệ miền Bắc.

Anh đóng nam chính trong vở kịch kinh điển một thời như Vũ Như Tô (tác giả: Nguyễn Huy Tưởng, đạo diễn: NSND Phạm Thị Thành), Rừng trúc (tác giả: Nguyễn Đình Thi, NSND Đình Nghi, đạo diễn: NSND Phạm Thị Thành), Nhà có ba chị em gái (tác giả:Thu Phương, đạo diễn: NSND Xuân Huyền) và đặc biệt là vở Macbeth (tác giả: Shakespeare, đạo diễn: Lê Hùng),...

48406533_2199195630092076_8619065564167405568_n

 NSND Anh Tú và NSND Lan Hương trong vở Macbeth do NSND Lê Hùng dàn dựng.

Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho biết riêng vai diễn Macbeth mà Anh Tú thủ vai thực sự khiến đồng nghiệp nể phục. “Anh Tú hóa thân xuất sắc, lột tả tính cách, diễn biến tâm lý nhân vật, thuyết phục hoàn toàn người xem ở mỗi tình huống kịch”, ông nhớ lại.

Trong cuốn sách Mặt người mặt hoa, nhà phê bình sân khấu, tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái bình luận Anh Tú rõ ràng không thuận lợi về tầm thước hình thể khi vào vai Macbeth. Nhưng, bù lại, Anh Tú khẳng định đẳng cấp bằng diễn xuất và đài từ.

“Anh Tú có một giọng sân khấu truyền cảm, rộng và vang xa, thật thuận lợi cho việc thể hiện hàng chục đoạn hội thoại rất quan trọng của riêng nhân vật Macbeth trong suốt chiều dài bi kịch vĩ đại của Shakespeare", nhà phê bình viết.

Vở diễn Macbeth của đạo diễn Lê Hùng mở đầu với cảnh Macbeth thắng trận lẫy lừng trở về. Ngay lập tức bốn cô phù thủy tiên đoán rằng: tướng Macbeth sẽ được phong tước vị cao nhất. Tức, Macbeth sẽ lên làm vua.

“Ở cảnh này, Anh Tú đã diễn rất khéo. Khi nghe tiên đoán động trời như vậy, Macbeth của Anh Tú chỉ giật nhẹ mình, mặt hơi biến sắc, mắt thoáng lạc thần, rồi định thần được ngay. Chỉ bằng ngần ấy động tác của nhân vật, Anh Tú đã cho người xem thấy Macbeth có ý đồ tiếm ngôi vua từ lâu. Cuộc chinh chiến vẻ vang vừa mới thực hiện, đã chỉ làm cho ý đồ trở nên chín muồi”, nữ tiến sĩ phân tích.

NSND_Anh_Tu_2012

 NSND Anh Tú và NSND Lê Khanh trong vở Rừng trúc.

Theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, nét mặt rắn đanh của Anh Tú còn cho thấy một Macbeth kiêu ngầm: vị tướng Macbeth tự cho mình mới xứng đáng làm vua, chứ không phải cái ông vua hiền lành, đức độ đang trị vị trên ngai vàng kia. Anh Tú hiểu rất rõ tâm lý dục vọng quyền lực của nhân vật, và hoàn thành xuất sắc vai diễn.

Diễn xuất chững chạc, tinh tế đến từng sắc thái cùng với đài từ trầm ấm, âm vang sang trọng với chất giọng đậm đặc Hà Nội, Anh Tú trở thành một trong những gương mặt diễn xuất sắc nhất của kịch nghệ miền Bắc. Những vai diễn của anh, sau nhiều năm, vẫn được xem là khuôn mẫu với thế hệ diễn viên trẻ của sân khấu.

Chẳng thế mà NSƯT Minh Hằng chia sẻ: “Anh Tú diễn xuất không còn gì để nói. Lên sân khấu, Anh Tú thực sự thăng hoa, giống hoàng tử của sân khấu vậy”.

“Kỵ sĩ” nỗ lực phục hưng kịch nghệ

Sau thời gian lẫy lừng với những vai nam chính trên sân khấu, Anh Tú chuyển sang làm đạo diễn, đó cũng thời các loại hình giải trí bắt đầu phát triển và kịch nghệ miền Bắc thưa vắng dần khán giả. Năm 2015, anh tốt nghiệp khóa đạo diễn Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội với vở Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm.

Nguyên giám đốc Nhà hát Trương Nhuận nhớ lại nghệ sĩ Anh Tú khiến ban giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thời điểm ấy bối rối vì xin dàn dựng vở kịch thơ Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm trên sân khấu nhà hát để thi tốt nghiệp.

“Thời điểm ấy việc đưa lên sân khấu sử dụng tác phẩm của thi sĩ Hoàng Cầm vẫn là điều còn nhạy cảm. Chuyện trả nhuận bút tác phẩm, nhà hát cũng sợ không đủ kinh phí để chi trả. Nhưng thấy nghệ sĩ Anh Tú quá đam mê và ban giám đốc lúc ấy cũng rất tin vào sự thẩm định của đạo diễn NSND Lê Hùng, cuối cùng đã gật đầu đồng ý cho Anh Tú làm đạo diễn vở kịch thơ Kiều Loan”, ông hồi tưởng.

48393976_2199195843425388_4361499461856264192_n 3

Anh Tú sở hữu giọng nam trầm ấm, sang trọng. 

Nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết thời điểm đó ông đang là phó giám đốc phụ trách biểu diễn đã nhận nhiệm vụ thay mặt nhà hát đến gặp thi sĩ Hoàng Cầm để thương thảo về bản quyền. Kinh phí dàn dựng một tác phẩm cho sinh viên tốt nghiệp vốn rất “hẻo”, không nằm trong kế hoạch được cấp phát hàng năm của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

“May mắn sao, khi biết tin đứa con tinh thần được sáng tác hơn nửa thế kỷ, nay bỗng được đạo diễn trẻ Anh Tú yêu thích đắm đuối, cụ Hoàng Cầm sung sướng lắm, nghẹn ngào nói chẳng thành lời đưa bút ký tắp lự vào văn bản, đồng ý cho Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng với số tiền nhuận bút 15 triệu”, ông Nhuận cho hay.

Đêm công diễn đầu tiên, gia đình nhà thơ Hoàng Cầm đưa cụ trên xe lăn đến Nhà hát Tuổi trẻ. Đạo diễn Anh Tú cùng mọi người kênh xe lăn đưa vị khán giả đặc biệt của đêm diễn lên ngồi ghế hàng A, trang trọng nhất để xem kịch thơ Kiều Loan do nữ nghệ sĩ Quách Thu Phương đóng chính.

Nhà thơ rưng rưng nước mắt suốt cả buổi diễn. Cuối chương trình, nhà thơ Hoàng Cầm run run nắm chặt tay đạo diễn Anh Tú cùng tất cả nghệ sĩ đang vây quanh ông, xúc động cám ơn và trao tặng lại toàn bộ số tiền nhuận bút của ông cho các nghệ sĩ đã biểu diễn.

Sau Kiều Loan, Anh Tú tiếp tục dàn dựng nhiều vở diễn. Khi sang Nhà hát Kịch Việt Nam làm phó giám đốc phụ trách nghệ thuật, cố nghệ sĩ dàn dựng Lâu đài cát, Tai biến, Trong mưa giông thấy nắng, Kiều, Thế sự, Hamlet, Romeo và Juliet,... Đây đều là những vở diễn được đánh giá là chất lượng, thể hiện tài năng lành nghề của một đạo diễn sân khấu.

Trong bối cảnh sân khấu đìu hiu, thưa vắng khán giả, Anh Tú nỗ lực hết mình với mong muốn làm trỗi dậy nền sân khấu. Trong một lần chia sẻ với PV, nam nghệ sĩ bày tỏ khát vọng lớn nhất của anh hiện tại là làm sao để kéo khán giả đến rạp xem kịch mà phải là thật đông khán giả.

“Thực hiện điều này không hề đơn giản, cần phải có sự chung tay của rất nhiều người, từ đạo diễn, nghệ sĩ, cơ quan quản lý nghệ thuật đến giới báo chí - truyền thông”, cố nghệ sĩ nói.

Nhiều nghệ sĩ kể rằng Anh Tú quên ăn, quên ngủ vì sân khấu. Ngay cả những ngày trước khi nhập viện cấp cứu, anh vẫn có nhiều đêm ngủ lại nhà hát, không về nhà, đau đáu vì kịch nghệ, vì những vở diễn, những ý tưởng nghệ thuật.

Không chỉ đồng nghiệp mà giới phóng viên văn hóa ở Hà Nội, nhiều người cũng trân trọng NSND Anh Tú. Mỗi khi nhắc đến sân khấu, mắt anh thường sáng lên. Anh bảo đó là "sở trường" lớn nhất của mình.

Trong ký ức của người viết, những ngày cuối năm như này, NSND Anh Tú thường bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng ấm trà nóng. Đôi khi, anh bày ra đĩa kẹo vừa mua trong chuyến công tác ngắn ngày. Và sau đó anh say sưa nói về sân khấu.

Trong vở kịch Vũ Như Tô có cảnh nhân vật Đan Thiềm (NSND Lê Khanh thủ vai) nói với Vũ Như Tô (NSND Anh Tú): “Ông ơi, ông mà có mệnh hệ nào, đất nước ta còn ai tô điểm”.

Cũng lời cảm thán ấy, người mộ điệu nay phải ngậm ngùi: “NSND Anh Tú qua đời, sân khấu phía Bắc còn ai tô điểm?”

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn