• Zalo

Vu khống vợ ngoại tình để né trách nhiệm nuôi con sinh từ ống nghiệm

Chuyện bốn phươngThứ Năm, 18/01/2024 07:14:25 +07:00Google News
(VTC News) -

Cố gắng có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm nhưng khi ly hôn, anh Ngô từ chối cấp dưỡng ngay cả khi cáo buộc vợ ngoại tình bị bác bỏ bằng kết quả xét nghiệm ADN.

Với việc từ chối chu cấp cho đứa con trai sinh ra từ ống nghiệm sau khi ly hôn, người đàn ông họ Ngô (sống tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đối mặt với sự phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Tòa án cũng đưa ra phán quyết khiến dư luận hài lòng.

Do yếu tố bẩm sinh, Ngô không thể làm cha nên đã cùng người vợ họ Đàm sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Cặp vợ chồng vui mừng chào đón con trai chào đời vào tháng 4/2011.

Tuy nhiên, ngay sau khi sinh con trai, vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, cãi vã thường xuyên khiến cuộc hôn nhân xấu đi, cuối cùng Ngô đệ đơn ly hôn. Yêu cầu này bị tòa án bác bỏ. Cặp đôi sau đó chọn sống ly thân, cô Đàm một mình chăm sóc con trai.

Vào tháng 7/2022, Ngô một lần nữa đệ đơn ly hôn. Lần này, người đàn ông đặt câu hỏi về quan hệ cha con với đứa trẻ, thậm chí còn cáo buộc cậu bé là kết quả ngoại tình của vợ.

Trong quá trình tố tụng, cô Đàm đã cung cấp kết quả xét nghiệm chứng minh quan hệ cha con và Ngô cũng thừa nhận. Tuy nhiên, anh ta vẫn từ chối chu cấp nuôi con.

Theo luật pháp Trung Quốc, đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF với sự đồng ý của cả cha và mẹ sẽ có các quyền và nghĩa vụ như đứa trẻ sinh ra tự nhiên. (Ảnh: Shutterstock)

Theo luật pháp Trung Quốc, đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF với sự đồng ý của cả cha và mẹ sẽ có các quyền và nghĩa vụ như đứa trẻ sinh ra tự nhiên. (Ảnh: Shutterstock)

Gần đây, tòa án địa phương đã chấp thuận ly hôn, trao quyền nuôi con cho cô Đàm và yêu cầu anh Ngô phải trả tiền chu cấp nuôi con. 

Phán quyết này dựa trên các điều khoản của Tòa án Tối cao Trung Quốc quy định rằng trẻ em được thụ thai thông qua thụ tinh nhân tạo đồng thuận chính là con hợp pháp của cặp vợ chồng, sẽ có quyền và nghĩa vụ bình đẳng với đứa trẻ sinh ra tự nhiên.

Sun Ruojun, Phó Giáo sư về Luật Hôn nhân tại Đại học Renmin, cho biết: “IVF hay thụ tinh trong ống nghiệm là hợp pháp ở Trung Quốc. Cho dù đó là thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của chồng và trứng của vợ hay sử dụng giao tử của bên thứ ba, sau khi cặp đôi ký hợp đồng thụ tinh trong ống nghiệm và thủ tục thành công, họ sẽ là cha mẹ hợp pháp của đứa trẻ". 

Sau khi thông tin về vụ ly hôn được lan truyền trên mạng xã hội, Ngô phải đối mặt với làn sóng chỉ trích trên mạng.

Phần lớn cư dân mạng đánh giá anh ta là người cha vô trách nhiệm: “Người đàn ông này thật đáng khinh. Nếu anh ấy không muốn nuôi đứa trẻ, tại sao ngay từ đầu lại đồng ý làm IVF? Bây giờ anh ấy chỉ muốn trốn tránh trách nhiệm sau khi ly hôn”; “Đây vẫn là con của anh ấy. Làm sao anh ấy có thể từ chối chăm sóc cậu bé?”; “Đứa trẻ tội nghiệp, nếu giao cho bố thì sẽ bị đối xử tệ bạc”...

Nhật Thùy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn