• Zalo

Vũ khí 'vô đối' Avangard của Nga và hệ lụy khôn lường

Thời sự quốc tếThứ Ba, 31/12/2019 06:37:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tuyên bố đưa Avangard vào trực chiến dấy lên quan ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới trong bối cảnh hiệp ước cuối cùng hạn chế kho vũ khí chiến lược 2 quốc gia đối địch từ Chiến tranh Lạnh sắp hết hạn.

"Trung đoàn tên lửa Avangard chính thức được đưa vào hoạt động ở vùng Urals, Orenberg từ 10h sáng 27/12", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Putin khẳng định Nga đang đi đầu thế giới về phát triển vũ khí siêu vượt âm. 

"Không một quốc gia nào sở hữu vũ khí siêu thanh chứ đừng nói đến vũ khí siêu âm liên lục địa. Họ đang cố bắt kịp chúng ta", ông Putin nói với các tướng lĩnh quân sự trong cuộc họp của Bộ quốc phòng Nga hôm 24/12. 

Trong thông điệp liên bang hồi tháng 3/2018, nhà lãnh đạo Nga tiết lộ Avangard cùng 5 vũ khí lợi hại khác với các thông số đáng nể. 

Vũ khí 'vô đối' Avangard của Nga và hệ lụy khôn lường  - 1

Ảnh minh họa tên lửa siêu thanh chiến lược Avangard. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Với Avangard, nó được mô tả là có thể di chuyển với tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh, nhanh như thiên thạch hoặc quả cầu lửa. 

Động thái đưa Avangard vào trực chiến của Nga diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Matxcơva và Washington sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước năm 1987 cấm triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong hiệp ước. Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc, tố ngược Mỹ mới là bên vi phạm. 

Nga, Mỹ đang đối đầu về cáo buộc điện Kremlin can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, các cuộc xung đột ở Ukraine, Syria cùng chương trình hạt nhân của Iran.

2 bên cũng đang bế tắc về tương lai của Hiệp ước START mới giới hạn kho vũ khí hạt nhân của bên. Hiệp ước ký kết năm 2010 này sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. 

Chính quyền Trump cho tới nay vẫn bác bỏ lời kêu gọi của Nga để bắt đầu các cuộc đàm phán về việc mở rộng hiệp ước, viện dẫn lý do bất cứ hiệp ước mới nào cũng nên bao gồm Trung Quốc - quốc gia từ chối chấp nhận giới hạn năng lực hạt nhân của mình. 

"Sự sụp đổ của New START sẽ có tác động tiêu cực đối với sự cân bằng chiến lược giữa Nga và Mỹ. Chúng ta sẽ quay trở lại thời kỳ dẫn đến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962 khi Liên Xô và Mỹ tiến gần đến chiến tranh hạt nhân", Alexander Golts, nhà phân tích quốc phòng độc lập tại Matxcơva cảnh báo.

Vũ khí 'vô đối' Avangard của Nga và hệ lụy khôn lường  - 2

Hình ảnh mô phỏng đường bay của Avangard. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi tháng 8 thừa nhận mặc dù Mỹ và Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh phát triển công nghệ siêu âm, nhưng việc sản xuất các loại vũ khí này là chuyện của vài năm nữa. 

6 tháng trước đó, vị tướng giám sát lực lượng hạt nhân của Mỹ, Tướng Không quân John Hyten cảnh báo tên lửa siêu thanh có thể tấn công Mỹ trong vòng 15 phút, bằng một nửa thời gian sử dụng vũ khí đạn đạo.

"Đây là một tình huống chưa từng có mà trong đó chúng tôi thấy rằng Nga đi trước về mặt công nghệ và Lầu năm góc đang cố đuổi kịp. Mỹ chỉ thức tỉnh trong năm nay với công nghệ này và bắt đầu ném tiền vào nó", Nikolai Sokov, thành viên cao cấp tại Trung tâm James Martin - chuyên nghiên cứu về hạn chế vũ khí hủy diệt cho hay. 

Nga thử nghiệm Avangard vào tháng 12/2018, phóng nó từ căn cứ Dombarovskiy tại dãy núi Ural và nhắm tới mục tiêu ở bãi thử Kura trên bán đảo Kamchatka, cách nơi phóng 6.000 km.

Sau khi được phóng đi, Avangard lướt về mục tiêu với khả năng cơ động cao. 

"Sự khác biệt giữa vũ khí siêu thanh và tên lửa đạn đạo truyền thống là nó biến mất và chúng ta không thấy nó cho đến khi hiệu ứng được chuyển giao", ông Hyten nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện.

Tuy nhiên, ông Golts, một nhà phân tích quốc phòng không loại trừ khả năng tuyên bố Avangard không thể bị đánh chặn bị thổi phòng. Theo ông này, hoàn toàn có thể bắn hạ tên lửa "vô đối" của Nga trong giai đoạn đầu tiên của quỹ đạo. 

"Sự đột phá thực sự sẽ đến khi Nga thực hiện công nghệ tương tự trong một loại vũ khí khác, như tên lửa hành trình", ông Sokov, chuyên gia giải giáp nhận định. 

Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeff Merkley cách đây vài ngày cảnh báo việc từ bỏ New START vào thời điểm hiện tại là bước đi sai lầm. 

"Sự hỗ trợ của lưỡng đảng trong Quộc hội Mỹ trong việc gia hạn thỏa thuận đã thành công giữ Mỹ và Nga tránh xa cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân thời hiện đại. Chúng ta không thể mạo hiểm mở ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới", ông này viết trên Twitter. 

 

Song Hy(Nguồn: Straits Times)
Bình luận
vtcnews.vn