Trong một bài bình luận được đăng tải vào ngày 20/7, các chuyên gia quân sự của Wall Street Journal nhận định số lượng vũ khí mà phương Tây chuyển giao cho Kiev đang đẩy quân đội Ukraine vào một “thách thức nghiêm trọng” về mặt hậu cần.
Cũng theo nhóm chuyên gia, các loại vũ khí của phương Tây đang tỏ ra “hiệu quả” trong việc giúp Kiev đối phó với lực lượng, dù việc chuyển giao từng phần và số lượng hạn chế cùng lúc nhiều hệ thống vũ khí khác nhau đã tạo ra “cơn ác mộng hậu cần” cho quân đội Ukraine.
Ngay từ đầu cuộc xung đột, Mỹ và các đồng minh đã viện trợ cho Ukraine số lượng lớn tên lửa phòng không vác vao Stinger và tên lửa chống tăng Javelin, nhưng nguồn cung cho hai loại vũ khí này đã nhanh chóng cạn kiệt. Đến tháng 4, Washington tiếp tục chuyển giao các hệ thống lựu pháo M777 và hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS vào tháng 6.
Ngoài Mỹ, quân đội Ukraine còn nhận được pháo M777 do Australia và Canada viện trợ, bên cạnh đó họ còn được các phương Tây chuyển giao một số mẫu pháo tự hành như M109 (Mỹ), Panzerhaubitze 2000 (Đức), Caesar (Pháp) và Krab (Ba Lan). Tất cả các hệ thống pháo này đều sử dụng chung cỡ đạn 155 mm, tuy nhiên có một thực tế rằng tiêu chuẩn đạn của chúng lại khác nhau.
“Không có mẫu pháo nào trong số những hệ thống này có cùng một tiêu chuẩn kỹ thuật”, chuyên gia Jack Watling thuộc Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định. Ông này còn nói rằng các hệ thống vũ khí này đúng ra nên sử dụng một loại đạn tiêu chuẩn và có thể hoán đổi cho nhau.
Cũng theo Watling, việc phương Tây viện trợ các hệ thống vũ khí riêng lẻ (thiếu đồng bộ) đang nhanh chóng biến thành cơn ác mộng về hậu cần đối với lực lượng Ukraine. Trong khi đó mỗi hệ thống đòi hỏi công tác đào tạo, vận hành và bảo trì kỹ thuật khác nhau.
Các hệ thống pháo của phương Tây dù sử dụng chung cỡ đạn 155 mm nhưng có tầm bắn, lượng thuốc phóng, cơ cấu nạp đạn, phụ tùng thay thế và các yêu cầu bảo dưỡng hoàn toàn khác nhau. Một ví dụ rõ nhất là hệ thống pháo PzH 2000 đòi hỏi kíp pháo thủ vận hành cần phải trải qua chương trình đào tạo kéo dài 40 ngày, đó là còn chưa kể các yêu cầu đặc biệt về cách vận hành.
Scott Boston, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của thuộc tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation trong một báo cáo mới đây đã chỉ ra điểm yếu về hậu cần khiến quân đội Ukraine trở nên yếu thế trước các lực lượng Nga.
“Rất nhiều thứ ở Ukraine là ‘đồ cổ’, chúng là những chiếc xe 40 năm tuổi mà bạn sửa chữa bằng búa và cờ lê, phải dùng nhiều sức, dầu nhớt và cả sự may mắn. Trong khi đó một thợ cơ khí ở châu Âu sửa chữa những chiếc xe hơi đời mới chỉ cần đến một chiếc máy tính bảng để ‘bắt bệnh’ và phụ tùng thay thế”, ông Boston nói. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng nếu không có nguồn cung phụ tùng từ châu Âu các hệ thống vũ khí phương Tây mất nhiều công sức chuyển đến Ukraine đều sẽ trở thành đồ bỏ.
Các chuyên gia nói trên đều có cùng quan điểm rằng việc chuyển quá nhiều vũ khí hiện đại cho Ukraine chưa phải là điều tốt, đồng thời khuyên giới chức phương Tây nên có sự chọn lọc giữ các hệ thống mà họ sẽ viện trợ cho Kiev.
Bình luận