(VTC News) – Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khi trả lời báo chí về nghi án nhận "lót tay" 80 triệu yên của quan chức Việt.
Chiều 2/4, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức họp báo thông tin về các vấn đề “nóng” của ngành trong thời gian qua. Nhiều câu hỏi liên quan đến nghi án nhận "lót tay" 80 triệu yên từ nhà thầu JTC của Nhật Bản tiếp tục được các phóng viên đề cập tại buổi họp báo.
Đáng chú ý, dù vừa từ Nhật Bản trở về, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông vẫn có mặt ở sự kiện này. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông cho hay, đến giờ vẫn chưa có thông tin mới về vụ việc.
“Toàn bộ những vấn đề dư luận quan tâm tới nhà thầu JTC đã được đề cập tại hai thông cáo báo chí vào ngày 24 và 29/3 vừa qua”, ông Đông nói.
Bộ GTVT tổ chức họp báo chiều 2/4 |
Thứ trưởng Trường cũng dẫn lời của Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP tại buổi họp báo trước đó rằng đây là việc mà cơ quan chức năng cả hai nước sẽ phải bắt tay vào làm. Hiện vẫn chưa có thông tin gì mới nên vẫn phải chờ kết quả của cả hai bên.
Thứ trưởng Trường cũng đề nghị cơ quan báo chí không khai thác sâu thêm nữa và chờ đợi sau khi có kết quả Chính phủ sẽ thông tin chính thức về việc này.
Được biết, vào ngày mai (3/4) hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ tổ chức họp ủy ban hỗn hợp lần thứ nhất tại Hà Nội. Mục đích phiên họp nhằm trao đổi thông tin và thảo luận những biện pháp phòng chống, đồng thời thảo luận về đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực sau nghi án hối lộ trong ngành đường sắt.
Quản lý đường sắt còn bất cập
Trả lời các câu hỏi liên quan tới một bất cập rất lớn khác là quy định các dự án vốn STEP chỉ có các nhà thầu của Nhật Bản tham gia đấu thầu, ông Đông cho hay Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục trao đổi, đối thoại để đi đến nghiên cứu của các bên trong thời gian tới.
Thừa nhận việc quản lý của ngành đường sắt còn nhiều bất cập, ông Đông cho rằng những bất cập đó tồn tại là do việc quản lý Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thật tách bạch, lượng lao động hiện tại rất cao.
Ông Đông cũng đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này như các chương trình Bộ đang triển khai và quyết định 198 của Thủ tướng về tái cơ cấu và cổ phần hóa đường sắt.
“Bộ đang chỉ đạo quyết liệt song song với việc tái cơ cấu sẽ triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi luật đường sắt được ban hành năm 2006.
Ngoài ra, sẽ bổ sung nội dung nghị định 109, nếu cần thiết sẽ xây dựng nghị định thay thế, trong đó tập trung hướng dẫn tách hạ tầng ra khỏi hoạt động kinh doanh vận tải, tiến tới cổ phần hóa.
Trong đề án chung tái cơ cấu sẽ sắp xếp lại tổ chức cũng như đầu mối đường sắt, tăng cường quản trị doanh nghiệp, tách bạch tối đa quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Minh Quân
Bình luận