Hành xử như cầm thú
Mới đây, mạng xã hội facebook đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông liên tục túm tóc, tát tới tấp vào mặt người vợ trước mặt con gái nhỏ khiến nhiều người phẫn nộ.
Đoạn clip trên được đăng tải với dòng trạng thái: “Mình chẳng biết lý do gì mà đang đi cô vợ lại giận dỗi xuống xe, chỉ biết trước đoạn clip này thì cô ấy bị thằng chồng lôi cổ lại túm tóc rồi đấm đến máu me be bét thế này, mặc cho đứa con đang gào khóc van xin, người đi đường can ngăn...”.
Đoạn clip ngay sau khi đăng tải đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội. Hầu hết các ý kiến đều lên án người chồng về những hành động dã man đối với vợ. Đáng nói, hành động này lại diễn ra ngay trước mặt đứa con gái bé nhỏ, mới chỉ khoảng 5-6 tuổi của họ.
Video: Chồng vũ phu đánh vợ chảy máu đầu mặc cho con gái khóc cầu xin
Trả lời VTC News về vụ việc trên, chuyên gia tâm lý Phan Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học Thực nghiệm (Viện Tâm lý học Việt Nam) cho rằng, hành động trên là không thể chấp nhận được.
“Với tư cách là con người với nhau, dù là đàn ông đánh đàn bà hay đàn bà đánh đàn ông thì đều không ổn. Nhưng mà thông thường người ta sẽ phê phán đàn ông hơn vì đàn ông là người trời cho sức lực lớn hơn, mà lại dùng sức lực để đánh phái yếu hơn là không chấp nhận được. Văn hóa nước nào cũng đều không chấp nhận điều này. Đây là hành vi phải lên án mạnh mẽ”, bà Hương nhận xét.
Bà Phan Thị Mai Hương phân tích: “Quan hệ giữa con người với con người mà hành xử như thế là đã không chấp nhận được rồi. Còn nếu đã là vợ chồng, đến với nhau vì tình yêu và sống với nhau vì tình nghĩa mà đối xử với nhau như thế thì càng không chấp nhận được. Hành xử thế khác gì loài cầm thú vô đạo, không có tư cách con người.
Thêm nữa, trẻ con đang độ tuổi đi học, nên đời sống tâm lý tình cảm của đứa trẻ rất quan trọng. Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy, việc vợ chồng có những mâu thuẫn, bất đồng ý kiến và dẫn đến cãi nhau là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên vì quá nóng giận, không thể kiềm chế mà nhiều người đã có những hành động, lời nói cáu gắt với nhau trước mặt con cái và vô tình những hình ảnh, lời nói đó đã in sâu vào suy nghĩ còn rất ngây thơ của các bé, gây nên những hậu quả đáng tiếc”.
Bà Hương cho rằng việc bố mẹ cãi nhau, to tiếng trước mặt con không những sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ, đáng kính, đáng nể trọng của mình trong mắt con cái mà còn khiến các bé cảm giác bất an ngay chính bên cạnh bố mẹ mình.
Từ đó, ở trẻ xuất hiện tâm lý sợ hãi, ít gần gũi với bố mẹ, ít nghe lời bố mẹ. Nguy hiểm hơn, các bé sẽ có những hành động, lời nói tương tự như bố mẹ đã làm với nhau đối với người thân, bạn bè đôi khi không vì bất cứ lý do gì.
“Đàn ông cần phải biết cách chủ động kiềm chế cơn giận của mình. Vì nếu thiếu kiềm chế thì sẽ có những hành vi rất phản cảm, rất vô đạo đức. Ở góc độ khác, người phụ nữ cũng cần phải hiểu về tâm lý và tính cách của người chồng để tránh những lời lẽ khiến chồng dễ bị kích động và hành xử bạo lực”, bà Hương chia sẻ.
Đánh vợ là biểu hiện của đàn ông bất lực
Ở một góc độ khác, TS Trịnh Trung Hòa (Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm, Hà Nội) lại cho rằng hành vi đánh vợ, trút cơn giận dữ lên đầu vợ của người chồng trong vụ việc trên là biểu hiện của “sự bất lực”.
Theo TS Trịnh Trung Hòa, nguyên nhân dẫn đến các hành vi bạo hành gia đình thì có nhiều, nhưng theo nghiên cứu thì có 2 nhóm nguyên nhân chính: đó là nhóm nguyên nhân từ phía cá nhân và nhóm nguyên nhân xã hội.
Phía nhóm nguyên nhân cá nhân, phần lớn những vụ bạo hành gia đình đều xuất phát từ cá nhân vợ hoặc chồng “có vấn đề”. Thường là do đam mê cờ bạc, hút chích, rượu chè, nợ nần, mại dâm, kinh tế khó khăn… làm sao nhãng việc gia đình, khiến mâu thuẫn gia đình nảy sinh và bùng phát, từ đó dẫn đến bạo hành.
Hành động sử dụng vũ lực không phải là biểu hiện mạnh mẽ mà nó càng thể hiện sự yếu đuối và bất lực của người chồng.
TS Trịnh Trung Hòa
Ngoài ra, cũng cần phải nói đến nhóm nguyên nhân xã hội cũng dẫn đến nạn bạo hành gia đình. Đó là ý thức hệ phong kiến với những quan niệm cổ hủ lạc hậu còn sót lại, là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, coi người đàn ông là trung tâm, và đôi khi còn do nhận thức của cả người chồng và vợ về quyền bình đẳng giới chưa được đầy đủ… Cho nên tất cả những nguyên nhân trên là cơ sở để nạn bạo hành gia đình vẫn tồn tại”.
TS Hòa chia sẻ: "Tôi đã tận mắt chứng kiến không ít những ông chồng sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ bất cứ lúc nào, vì những lý do rất nhỏ nhặt. Tuy nhiên hành động sử dụng vũ lực đó không phải là biểu hiện mạnh mẽ mà nó càng thể hiện sự yếu đuối và bất lực của người chồng.
Khi người đàn ông cảm thấy mình yếu đuối, bất lực trước xã hội và những người khác trong xã hội, có thể là về khả năng tài chính, trình độ, địa vị,…và ghen tức với họ thì tâm lý tất yếu là anh phải trút sự ghen tức đó lên một ai đó để thỏa mãn nhu cầu tâm lý nhất thời và cũng để che giấu đi sự yếu kém đó của mình. Cho nên, người chồng đánh vợ không thể và không bao giờ là người chồng mạnh mẽ".
“Nhưng đôi khi, anh ta đánh vợ vì bản tính anh ta vốn dĩ đã vũ phu, côn đồ. Nhưng nói chung, dù là nguyên nhân nào thì đánh vợ vẫn là điều không thể chấp nhận được. Bạo hành gia đình là một vấn nạn mà chúng ta và cả xã hội cần phải lên án để từng bước hạn chế và xóa bỏ nó”, TS Trịnh Trung Hòa khẳng định.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Ông Vũ Ngọc Bình, cố vấn cao cấp của Viện Dân số Gia đình và Trẻ em, chuyên gia tư vấn bình đẳng giới của Liên Hợp quốc (UNDP) cho biết, với những hành vi đánh đập vợ dã man ngay trên phố như trong clip vừa qua thì người chồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Bình, bạo lực gia đình đã và đang trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
Bạo lực gia đình đã làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự an toàn lành mạnh của cộng đồng và trật tự xã hội.
“Không chỉ ở Việt Nam đâu, mà tất cả các quốc gia khác trên thế giới họ đều lên án các hành vi bạo lực gia đình. Đó là hành vi vi phạm về bình đẳng giới và an ninh trật tự xã hội. Trước kia thì do tâm lý “trong nhà đóng cửa bảo nhau” nên ít người chịu lên tiếng, dẫn đến tình trạng này tràn lan, chứ bây giờ đã có quy định rồi, nên sẽ xử lý nghiêm”, ông Bình nói.
Ông Bình cho rằng hành vi côn đồ đánh đập vợ dã man ngay giữa phố của người chồng trong vụ việc trên đáng bị lên án và cần được xử lý theo đúng pháp luật: “Bây giờ có luật rồi, cứ chiếu theo luật mà làm thôi. Điều 42 của Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình năm 2007 đã quy định rất rõ các mức xử lý về hành vi bạo lực gia đình.
Cụ thể thì người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc này, cùng với sự lên án của truyền thông và dư luận nói chung thì cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xác minh làm rõ, cần xử lý theo đúng pháp luật”.
Bình luận