• Zalo

Vụ cưỡng chế Tiên Lãng trên báo nước ngoài

Thời sựThứ Hai, 13/02/2012 04:55:00 +07:00Google News

Các hãng thông tấn lớn như AP, AFP, Bloomberg và sau đó là nhiều tờ báo trên thế giới đã đưa tin kèm bình luận về cuộc họp của Thủ tướng vụ Tiên Lãng.

Các hãng thông tấn lớn như AP, AFP, Bloomberg và sau đó là nhiều tờ báo trên thế giới đã đưa tin kèm bình luận về cuộc họp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

Khu đầm ven biển của xã Vinh Quang ở huyện Tiên Lãng được giao cho nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản, trong đó có gia đình Đoàn Văn Vươn, 49 tuổi. Với lý do hết thời hạn giao đất, giới chức huyện quyết định thu hồi nhưng ông Vươn và các hộ dân không đồng ý. Sau nhiều năm tranh chấp, ra tòa, ngày 5/1, chính quyền huyện điều cả trăm cảnh sát và bộ đội tham gia cưỡng chế để thu hồi đất. Ông Vươn và gia đình dùng mìn và súng chống trả khiến 6 nhân viên công lực bị thương.

"Sự chống trả bằng bạo lực của Vươn là hiện tượng vô cùng hiếm ở Việt Nam, nhưng số phận của ông đã nhận được sự cảm thông của công luận và cả những quan chức cấp cao, trong đó có nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh", hãng tin AFP nhận xét.

"Trong suốt một tháng qua, câu chuyện của ông Vươn đã chiếm lĩnh trang nhất các báo Việt Nam, cho thấy sự bức xúc đối với cách giải quyết các tranh chấp đất đai của giới chức, theo nhận xét của các chuyên gia", AFP viết. "Tranh chấp đất đai với chính quyền cấp địa phương đang trở thành vấn đề ngày càng gay gắt ở Việt Nam, nơi toàn bộ đất đai thuộc sở hữu nhà nước, trong khi các quyền sử dụng đất đôi khi không được giải thích rõ ràng hoặc bảo vệ".

Ngôi nhà ông Vươn trên khu đầm sau khi bị giới chức ra lệnh phá hủy. Ảnh: Nguyễn Hưng. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh điều tra, làm rõ vụ việc. Cuộc họp hôm thứ sáu của thủ tướng với các bên liên quan được các hãng thông tấn nước ngoài hết sức quan tâm. Các báo Anh, Mỹ, Trung Quốc cũng đăng tải lại những thông tin này.

Kết luận phiên họp do thủ tướng chủ trì cho thấy việc cưỡng chế, thu hồi đất của ông Vươn là bất hợp pháp và những người ra lệnh cưỡng chế, thu hồi đất đều bị xử lý.

Nhu cầu xem xét luật đất đai

Theo luật đất đai năm 1993 hàng triệu hộ gia đình Việt Nam đã được giao đất với thời hạn cụ thể để sản xuất. Tất nhiên, các điều khoản luật vẫn duy trì quyền của giới chức được thu hồi đất trước hạn cho các mục đích an ninh quốc phòng hoặc phát triển kinh tế dân sinh, công cộng. Các mục đích đó được hiện thực hóa bằng những dự án đường sá hoặc để tạo công ăn việc làm cho người nghèo.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, cấp chính quyền địa phương đã thu đất nông nghiệp của nông dân để phục vụ các sân golf hoặc khu nghỉ dưỡng, những dự án mà các nhà đầu tư xây nên nhằm phục vụ người giàu.

"Người nông dân được bồi thường dựa trên giá trị sản xuất của đất đai chứ không phải dựa trên số tiền mà các nhà đầu tư đáng phải chi trả", AP dẫn lời ông Mark Sidel, một giáo sư luật thuộc đại học Wisconsin, chuyên gia tư vấn về cải cách pháp lý ở Việt Nam, bình luận. "Khi giá trị đất tăng lên, các cuộc tranh cãi về quyền đất đai càng gây nên sự bức xúc trong dư luận về những nhà đầu tư tham lam".

"Hà Nội đã giải quyết các tranh chấp này một cách cẩn trọng", Sidel bình luận.

Trường hợp ông Vươn có thể không tạo ra sự thay đổi nhanh chóng về luật đất đai, nhưng cũng khiến chính ban lãnh đạo Việt Nam phải chú ý đến vấn đề này, nhất là khi hơn 70% trong số 87 triệu dân vẫn sống ở nông thôn.

"Vấn đề đất đai thu hút sự quan tâm của ban lãnh đạo (Việt Nam) bởi nó phản ánh sự không đồng thuận giữa cơ cấu chính quyền cấp địa phương với nông dân, trên một sân chơi mà lợi thế nghiêng về chính quyền địa phương", ông Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nói.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quản lý đất đai: "Quy trình quản lý đất đai hiện còn bất cập, nhiều vụ việc liên quan đến việc sử dụng đất không được giải quyết thỏa đáng và kịp thời".

Anh Ngọc/ VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn