Phản ánh thực trạng cử tri đề cập rất nhiều trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển hi vọng, việc sửa đổi Luật bảo vệ môi trường sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay.
Tuy nhiên ông Hiển cũng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát thêm về chính sách bảo vệ môi trường. Ông dẫn dụ với vụ chôn thuốc sâu độc hại ở Thanh Hóa, cần phải xử lý thế nào thì chưa thể hiện rõ, và cần được cụ thể hóa vào luật.
Đề cập đến yếu tố tác động về mặt môi trường, Chủ nhiệm UB Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, tất cả các dự án đều phải có sự đánh giá. Ông Thi đồng tình với quy định trong dự thảo, về các dự án đầu tư phải được tiến hành 2 bước: đánh giá sơ bộ và đánh giá đầy đủ.
Ủy ban thường vụ quốc hội đề cập đến vụ chôn thuốc sâu khi thảo luận về Luật bảo vệ môi trường sáng 19/9 |
Một số ý kiến cũng đề cập việc điều chỉnh lãnh thổ trong luật còn quy định chưa được rõ ràng, chặt chẽ.
Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là huy động sự quản lý, giám sát của người dân và trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ môi trường. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu: “Trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường như thế nào? Làm sao tăng cường thực quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức trong vấn đề bảo vệ môi trường?”.
Đây là trách nhiệm của mọi tổ chức xã hội nhưng ông Ksor Phước đề cập, khi xảy ra các vụ việc vi phạm thì ai sẽ “tuýt còi”, hay lại dẫn đến cảnh dân bức xúc quá thì tự xử bằng cách chặn xe, chặn nhà máy?… Thể hiện vai trò của cơ quan nhà nước, ông phản ánh thực trạng rừng bị tàn phá trong khi bộ máy chính quyền thì ở ngay đó.
Ông Ksor Phước đề nghị phải cho địa phương cơ chế được bảo vệ môi trường. Nếu lực lượng này đứng ngoài cuộc, không tận dụng được sức mạnh trong nhân dân thì có luật mấy, có đổ vào hàng nghìn tỷ đi nữa thì chúng ta cũng thất bại.
Có ý kiến còn đề nghị phải gắn bảo vệ môi trường với khắc phục hậu quả để các vùng ô nhiễm trở lại bình thường. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, hàng năm bom mìn còn sót lại làm chết cả nghìn người trên cả nước. Hay các loại chất độc tồn dư sau chiến tranh, không chỉ ở Tây Nguyên mà còn ở khu sân bay, ví dụ như ở Đà Nẵng, Tuy Hòa, Bình Định…
Có thực trạng người đi làm ăn ở Tây Nguyên, tiếp xúc với chất độc nên con cái bị nhiễm. Gần đây nhất như vụ chôn thuốc độc ở Thanh Hóa, hậu quả đó ai chịu trách nhiệm? Luật cần quy định chứ hòa cả làng thì không được.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết phạm vi của luật này rất rộng, gồm cả vùng đất, vùng nước, vùng biển, vùng trời… Đã là luật phải khả thi, vì thế luật phải quy định chuẩn mực để đo, từ đó đánh giá vi phạm và chỉ ra trách nhiệm cụ thể, rồi xử lý khắc phục hậu quả thế nào? Phạm vi rộng cũng tốt, nhưng phải chọn lọc có trọng tâm để luật có chất lượng, khả thi.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu phải quy định rõ vấn đề trách nhiệm. Vi phạm môi trường về quản lý đất đai, tài nguyên, cấp phép sai đằng sau nó là vấn đề môi trường. Quy định đã có nhưng trạm xăng mọc lên chẳng có tiêu chuẩn gì cả. Hay như vụ cháy ở Hải Dương, người ta nói cơ sở đó không có khả năng phòng cháy chữa cháy…
Những trường hợp như vậy cần phải làm rõ trách nhiệm. Người ta làm không đúng thì rút giấy phép, đình chỉ hoạt động. Nếu không làm mà cứ buông lỏng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Do Luật bảo vệ môi trường liên quan đến hầu hết các luật khác như Luật đất đai, Luật rừng, Luật tài nguyên nước… nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị luật này giải quyết cái gì phải thể hiện rõ, để không chồng chéo với các luật khác.
Theo Infonet
Bình luận