• Zalo

Vụ cha tự tử, con lĩnh án vì bắt trộm: Không nhất thiết phải xử lý hình sự

Pháp luậtThứ Tư, 06/01/2016 07:47:00 +07:00Google News

Luật sư Giang Hồng Thanh phân tích xung quanh vụ án cha chết, con lĩnh án vì bắt kẻ trộm đột nhập nhà riêng.

(VTC News) – Luật sư Giang Hồng Thanh phân tích xung quanh vụ án cha treo cổ tự tử, con lĩnh án vì bắt kẻ trộm đột nhập nhà riêng.

Mới đây, TAND tỉnh Bến Tre đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Bắt, giữ người trái pháp luật”. Bị cáo là anh Nguyễn Văn Trình, 38 tuổi, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên phạt anh Trình 6 tháng cải tạo không giam giữ. Bản án này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều bởi anh Trình bị truy tố, xét xử liên quan đến vụ việc bắt quả tang kẻ trộm đột nhập gia đình mình.

Liên quan đến vụ án này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh.


- Việc cơ quan tố tụng truy tố, xét xử, kết án đối với anh Nguyễn Văn Trình về tội “giữ người trái pháp luật” như vậy là hợp lý hay không?

Với những thông tin mà báo chí phản ánh, quan điểm của tôi cho rằng việc khởi tố, truy tố và xét xử anh Nguyễn Văn Trình về tội “Giữ người trái pháp luật” theo Điều 123 Bộ luật hình sự là chưa chính xác.

Cơ quan tố tụng cho rằng cha con anh Trình bắt người phạm tội tang khi đang trộm cắp là đúng, nhưng giữ người là sai, từ đó tuyên phạt anh Trình 6 tháng cải tạo không giam giữ.

Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là những trường hợp như: Người không có thẩm quyền về vấn đề này mà bắt, giữ hoặc giam người không phải là phạm tội quả tang; Người có thẩm quyền về vấn đề này mà bắt, giữ hoặc giam người không có quyết định hợp pháp của cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… nếu không phải bắt người phạm tội quả tang.

Căn cứ vào hướng dẫn trên, hành vi của anh Trình không thuộc các trường hợp này, nhất là khi bắt quả tang K. đang trộm cắp tài sản, gia đình anh Trình đã gọi điện cho ông trưởng ấp để trình báo sự việc.

Cái sai của bố con anh Trình ở đây là đã có hành động có tính chất dùng vũ lực đối với em K. như lấy dây trói hai chân K. rồi lấy dây cột vào sợi dây trói hai tay K., đầu dây kia vắt qua nhánh cây kéo lên hạ xuống nhiều lần. Tuy nhiên hành vi này nếu đủ yếu tố sẽ cấu thành tội danh khác chứ không phải tội “Giữ người trái pháp luật”.

- Khi bắt quả tang một đối tượng trộm cắp, người dân có được bắt giữ hay không?

Luật sư có cho rằng, việc anh Trình bị kết án 6 tháng cải tạo không giam giữ có thể tạo ra tiền lệ xấu, khiến người dân không dám bắt giữ, ngăn cản các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Trong trường hợp bắt quả tang người đang phạm tội nói chung và người có hành vi trộm cắp nói riêng, nếu không có điều kiện dẫn giải đến cơ quan chức năng, người dân hoàn toàn có quyền trói hoặc có biện pháp khác khống chế người bị bắt quả tang tại nơi xảy ra vụ việc để chờ cơ quan chức năng đến giải quyết.

Nếu không làm công việc này, rất có thể chính họ sẽ bị người bị bắt quả tang xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng.

Tuyệt đối không được đánh đập, tra tấn đối với người bị bắt nếu như họ đã bị khống chế và không có hành vi chống cự.

Quyết định của cơ quan tố tụng huyện Chợ Lách và tỉnh Bến Tre có thể sẽ tạo nên một tiền lệ xấu khiến cho người dân e ngại trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời sẽ làm gia tăng tình trạng phạm tội đặc biệt là trộm cắp tài sản ở những địa bàn giống nơi xảy ra sự việc, khi mà ở những nơi đó điều kiện trình báo, dẫn giải người bị bắt quả tang còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Có thể trong vụ án này, cơ quan tố tụng đã cân nhắc áp dụng mức hình phạt tương đối nhẹ nhàng đối với anh Nguyễn Văn Trình (6 tháng cải tạo không giam giữ), nhưng rõ ràng là dù nhẹ đến mấy thì anh Trình vẫn bị coi là người có tội, trong khi việc làm của anh xuất phát từ ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm.

Điều 8 khoản 4 Bộ luật hình sự quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.

Theo quy định này thì giả sử hành vi của anh Trình có dấu hiệu của tội “Giữ người trái pháp luật”, cơ quan tố tụng cũng không nhất thiết phải xử lý hình sự đối với anh Trình.


- Theo ông, vụ án này cần phải có sự vào cuộc của cơ quan tố tụng cấp cao hay không?

Tôi cho rằng lúc này anh Nguyễn Văn Trình cần làm đơn đề nghị TAND cấp cao hoặc VKSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị Bản án của TAND tỉnh Bến Tre theo thủ tục giám đốc thẩm để những cơ quan này xem xét lại Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre.

Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp phát hiện thấy sai phạm ở mức độ nghiêm trọng, Chánh án TAND cấp cao hoặc Viện trưởng VKSND cấp cao sẽ kháng nghị Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre để Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xem xét kháng nghị.

Với những tình tiết của vụ án, tôi hy vọng rằng Hội đồng giám đốc thẩm TAND cấp cao sẽ hủy bản án của TAND tỉnh Bến Tre và đình chỉ vụ án do hành vi của anh Nguyễn Văn Trình không cấu thành tội “Giữ người trái pháp luật”.

- Xin cảm ơn Luật sư!


Tóm tắt sự việc:

Rạng sáng 21/1/2014, anh Trình cùng cha đẻ là ông Nguyễn Văn Tập phát hiện Phạm Văn K. (SN 1999) đột nhập tiệm tạp hóa của gia đình. Thấy vậy, hai cha con anh Trình đã bắt, trói vào gốc cây trong vườn nhà trong thời gian chờ cơ quan công an đến giải quyết.

Theo kết luận của Công an huyện Chợ Lách, sau khi cùng cha trói K. vào cây và tra hỏi nhưng K. không chịu trả lời nên Trình đã đánh K.

Đến 4h40 sáng cùng ngày, lãnh đạo ấp Phú Bình đã đến và đưa K. về trụ sở ấp làm việc.

Công an huyện Chợ Lách sau đó đã khởi tố Nguyễn Văn Trình về tội Bắt, giữ người trái pháp luật. Cơ quan này cũng kết luận, ông Tập cũng phạm tội danh này với vai trò là đồng phạm giúp sức cho Trình.

Sau nhiều lần bị mời lên làm việc liên quan đến vụ án, đến ngày 17/8 ông Tập treo cổ chết tại nhà riêng.

Trong phiên xử sơ thẩm ngày 10/9/2015, TAND huyện Chợ Lách tuyên phạt bị cáo Trình 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội  Giữ người trái pháp luật.

Sau phiên tòa, anh Trình kháng cáo vì cho rằng mình vô tội.

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 4/1/2016, TAND tỉnh Bến Tre cho rằng, việc kháng cáo của Trình là không có cơ sở. Cơ quan này tuyên giữ nguyên án sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội danh trên.


Đà Long

Bình luận
vtcnews.vn